-
Hàng triệu sản phẩm Việt vươn ra thế giới nhờ thương mại điện tử09/08/2022Hiệp định ASEAN về thương mại điện tử có hiệu lực từ tháng 12 năm 2021 với mục tiêu thúc đẩy thương mại điện tử xuyên biên giới trong khu vực, tăng cường hợp tác về thương mại điện tử giữa các quốc gia thành viên. Trong đó, chương trình Ngày mua sắm trực tuyến ASEAN là một sáng kiến quan trọng nhằm thiết lập cơ chế thương mại điện tử xuyên biên giới, ủng hộ các nền tảng thương mại điện tử kết nối, mở rộng thị trường trong nội khối ASEAN.
Vì vậy, với mục tiêu thúc đẩy các hoạt động trên thương mại điện tử, mua sắm trực tuyến an toàn, lành mạnh cho người tiêu dùng, nâng cao trải nghiệm, đem lại những lợi ích thiết thực cho người tiêu dùng khi tham gia mua sắm trực tuyến, chương trình Ngày mua sắm trực tuyến ASEAN – ASEAN Online Sale Day được tổ chức trên phạm vi các nước trong khối ASEAN thông qua các hoạt động trên thương mại điện tử để tạo sức lan tỏa đến người tiêu dùng và các doanh nghiệp ở 10 quốc gia trong mọi lĩnh vực ngành nghề; góp phần đẩy mạnh hoạt động sản xuất và kinh doanh, kích cầu thị trường tiêu dùng trong và ngoài nước, tạo hiệu ứng chung để từng bước khôi phục lại nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi đại dịch tại các quốc gia thuộc khối ASEAN.
Sự kiện Ngày mua sắm trực tuyến ASEAN – ASEAN Online Sale Day hàng năm diễn ra vào ngày kỉ niệm thành lập ASEAN 08 tháng 08. Chương trình đã diễn ra 2 năm và đều ghi nhận được những tín hiệu tốt đẹp từ phía các doanh nghiệp và người tiêu dùng. Năm nay, nhân dịp kỷ niệm 55 năm ngày thành lập ASEAN, Chương trình Ngày mua sắm trực tuyến ASEAN – ASEAN Online Sale Day sẽ tiếp tục được diễn ra cùng lúc tại 10 nước thành viên thuộc khối ASEAN từ ngày 08/08/2022 đến ngày 10/08/2022.
Bà Nguyễn Thị Minh Huyền - Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương đã có cuộc trao đổi về những điểm mới, đặc biệt của Chương trình ASEAN Online Sale Day 2022 với phóng viên chương trình Việt Nam On của kênh truyền hình VTC.
Phóng viên: Cảm ơn bà đã xuất hiện trong VietnamOn tuần này. Thưa bà, chương trình Ngày mua sắm trực tuyến ASEAN – ASEAN Online Sale Day đã được tổ chức 2 năm rồi. Đó là các tháng 8 năm 2020 và 2021. Thời điểm này thì cũng trùng vào với giai đoạn các nước trên thế giới cũng như trong khu vực đang phải chống chọi với dịch bệnh Covid-19. Điều này có ảnh hưởng gì đến sự đón nhận của doanh nghiệp và người tiêu dùng đối với chương trình không ạ?
Bà Nguyễn Thị Minh Huyền: Năm 2020 dịch bệnh Covid-19 bắt đầu bùng phát trên toàn thế giới đã làm hạn chế khả năng đi lại và mua sắm trực tiếp của mọi người, chính vì vậy việc mua sắm online là một lựa chọn phù hợp. Với vai trò là Chủ tịch năm ASEAN, Việt Nam đã đưa ra đề xuất xây dựng Chương trình Ngày mua sắm trực tuyến ASEAN với mong muốn thúc đẩy TMĐT tại từng nước và cả khu vực ASEAN trong bối cảnh ảnh hưởng sâu rộng của đại dịch. Tính đến nay, chương trình đã bước sang năm thứ 3 và vẫn đang trong quá trình hoàn thiện để phù hợp với mục tiêu chung của khu vực cũng như đặc tính của từng thị trường mỗi nước thành viên. Có thể nói, đến nay Chương trình đã đạt được những thành công và dấu ấn rất khả quan. Trong năm đầu tiên tổ chức, các doanh nghiệp hưởng ứng Chương trình rất tích cực. Và theo thống kê, số doanh nghiệp tham gia trong năm 2021 tăng hơn 60% so với năm 2020 (khoảng gần 400 doanh nghiệp, số người truy cập AOSD 2021 cũng tăng 300%, khoảng gần 10,000 gấp hơn 3 lần; Số lượt truy cập website của AOSD 2021 tăng gấp 4 lần AOSD 2020 khoảng 35.000 lượt.
Phóng viên: Vâng, những con số hết sức là ấn tượng ạ! Và trong những kết quả mà bà vừa tổng hợp thì quốc gia nào trong ASEAN họ quan tâm đến chương trình này nhiều nhất?
Bà Nguyễn Thị Minh Huyền: Trong năm 2020, Singapore là nước có số lượng doanh nghiệp đăng ký đông đảo với khoảng 100 doanh nghiệp, tạo nên một không gian sôi động cho năm đầu tiên của Chương trình. Tới năm 2021, Philippines và Indonesia là hai quốc gia tiên phong, có số lượng Doanh nghiệp đăng ký và người tiêu dùng tham gia mua sắm nhiều nhất, trong đó dẫn đầu là Philippines với 120 doanh nghiệp với gần 5000 người truy cập (chiếm 50% tổng số người truy cập).
Phóng viên: Các doanh nghiệp Việt Nam thì sao ạ? Các doanh nghiệp và người tiêu dùng Việt, họ quan tâm đến sự kiện Ngày mua sắm trực tuyến ASEAN – ASEAN Online Sale Day như thế nào?
Bà Nguyễn Thị Minh Huyền: Năm 2020 Việt Nam là nước đề xuất chương trình này và các doanh nghiệp Việt Nam cũng nằm trong số những doanh nghiệp tham gia tích cực trong chương trình. Các doanh nghiệp Việt Nam tham chương trình chủ yếu ở các lĩnh vực: thời trang, điện máy, gia dụng, dịch vụ, du lịch, nhà hàng khách sạn, đồ thủ công mỹ nghệ. Sự tham gia đông đảo của các doanh nghiệp Việt Nam trong 02 năm qua đã thể hiện sự quan tâm của Chính phủ Việt Nam đối với Chương trình cũng như đối với vai trò điều phối chung trong khu vực của Chương trình. Bên cạnh đó, đối với thị trường Việt Nam các doanh nghiệp nước bạn cũng khá quan tâm khi có hơn 100 doanh nghiệp đăng ký bán hàng tại Việt Nam thông qua thương mại điện tử.
Phóng viên: Trang web http://onlineasean.com là trang chủ của chương trình ASEAN Online Sale Day. Bà có thể cho biết là trang web này khác với các sàn thương mại điện tử như thế nào?
Bà Nguyễn Thị Minh Huyền: Website của Chương trình không phải là một sàn thương mại điện tử mà đóng vai trò là cổng kết nối các doanh nghiệp kinh doanh thương mại điện tử tại các nước ASEAN và được phân chia theo Quốc gia và ngành hàng. Người tiêu dùng trong khu vực ASEAN có thể tìm kiếm, tiếp cận đến doanh nghiệp theo từng quốc gia hoặc ngành hàng mong muốn từ website này. Sau đó, người tiêu dùng sẽ được chuyển đến website/sàn giao dịch thương mại điện tử của doanh nghiệp tham gia để thực hiện giao dịch mua hàng trực tuyến.
Phóng viên: Chương trình ASEAN Online Sale Day đã mở ra cơ hội rất lớn để các doanh nghiệp và quốc gia trong khối ASEAN có thể liên kết với nhau và tham gia Chương trình một cách dễ dàng. Vậy để tham gia Chương trình, doanh nghiệp cần đáp ứng những tiêu chí nào, và trong năm 2022 với bối cảnh bình thường mới, Chương trình có những điểm khác biệt gì so với những năm trước, khi chúng ta phải đối chọi với đại dịch Covid-19 hay không?
Bà Nguyễn Thị Minh Huyền: Chương trình năm nay có 02 điểm khác biệt lớn so với những năm trước. Điểm nổi bật thứ nhất là khi doanh nghiệp tham gia Chương trình AOSD 2022 có thể đăng ký trực tuyến thông qua website của Chương trình. Việc này sẽ mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp đăng ký thì Ban tổ chức cũng sẽ có quá trình kiểm tra và hỗ trợ để có thể đồng hành với doanh nghiệp trong suốt thời gian diễn ra Chương trình. Điểm nổi bật thứ 2 là Chương trình có sự kết nối với các nền tảng số để hỗ trợ các doanh nghiệp có thể thực hiện các giao dịch thương mại điện tử xuyên biên giới với đồng thời 10 quốc gia trong khối ASEAN.
Phóng viên: Sân chơi ASEAN Online Sale Day vô cùng rộng mở và dễ dàng tiếp cận đối với các doanh nghiệp và đặc biêt là đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận một thực tế, đó là những quy định rất rõ ràng và rất chặt chẽ. Vậy theo bà, phía doanh nghiệp Việt Nam vẫn tồn tại những hạn chế như thế nào trong việc tiếp cận và vươn mình ra với một Chương trình rộng lớn mang tầm cỡ khu vực như thế này?
Bà Nguyễn Thị Minh Huyền: Bên cạnh những cơ hội do thương mại điện tử mang lại, cũng như các Chương trình hỗ trợ như ASEAN Online Sale Day, thì doanh nghiệp Việt Nam vẫn phải đối mặt với các thách thức, cũng như những hạn chế, cụ thể như: thứ nhất là cần một chiến lược kinh doanh online, chiến lược phát triển thương mại điện tử cụ thể cho doanh nghiệp mình; thứ hai là việc lựa chọn công nghệ. Đây là yếu tố quyết định thành công của doanh nghiệp khi tham gia thương mại điện tử. Thứ ba là cần nắm vững các quy định pháp luật về thương mại điện tử của Việt Nam cũng như các nước tham gia giao dịch điện tử mà doanh nghiệp hướng tới.
Phóng viên: Có thể thấy một thực tế đó là việc tham gia vào sân chơi ASEAN Online Sale Day thì có rất nhiều người tiêu dùng cũng như các doanh nghiệp quan tâm đến việc chất lượng sản phẩm như thế nào, cũng như các chế độ đổi trả hàng hóa có dễ dàng hay không. Trong 02 mùa tổ chức vừa qua, ASEAN Online Sale Day có ghi nhận những trường hợp tranh chấp nào hay không và nếu có thì chúng ta sẽ giải quyết như thế nào?
Bà Nguyễn Thị Minh Huyền: Trong thời gian tổ chức Chương trình vừa qua, Ban tổ chức cũng đã có những cơ chế để hỗ trợ giải quyết khi có phát sinh tranh chấp cũng như khiếu nại của người tiêu dùng xảy ra. Doanh nghiệp khi đăng ký tham gia Chương trình này, ngoài những tiêu chuẩn đáp ứng được các yêu cầu về hàng hóa cũng như sản phẩm của Ban tổ chức, thì doanh nghiệp cũng cần có những cam kết về chính sách giải quyết khiếu nại, tranh chấp đối với người tiêu dùng. Và Chương trình cũng có một Hệ thống cơ chế giải quyết tranh chấp mà thông qua đó doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng có thể gửi những khiếu nại cần giải quyết đến cho Ban tổ chức cũng như doanh nghiệp tại các quốc gia mà mình tham gia giao dịch thương mại điện tử, và sau đó, các phản ánh, khiếu nại này sẽ được gửi đến các đầu mối, các quốc gia sở tại để phối hợp xử lý, giải quyết.
Phóng viên: Chương trình năm nay có những cải tiến gì mới để bảo vệ tối đa quyền lợi của người tiêu dùng và doanh nghiệp khi tham gia vào Chương trình ASEAN Online Sale Day?
Bà Nguyễn Thị Minh Huyền: Khi số lượng doanh nghiệp tham gia nhiều hơn, cũng như giao dịch của người tiêu dùng diễn ra ngày càng nhiều, năm nay Ban tổ chức đã có những cải tiến để có thể hỗ trợ việc giải quyết khiếu nại, tranh chấp. Cụ thể là Ban tổ chức Chương trình đã nâng cấp và xây dựng Hệ thống giải quyết khiếu nại, tranh chấp cho Chương trình ASEAN Online Sale Day thành Hệ thống giải quyết khiếu nại, tranh chấp trực tuyến với điểm mới đó là người tiêu dùng và doanh nghiệp có thể gửi trực tuyến những khiếu nại của mình. Hệ thống cũng kết nối trực tuyến giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, giữa các quốc gia với nhau để có thể có cơ chế giải quyết tranh chấp trực tuyến một cách nhanh nhất và hỗ trợ người tiêu dùng một cách tốt nhất.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng khuyến cáo người tiêu dùng khi mua hàng trực tuyến, trước hết vẫn phải tìm hiểu đầy đủ thông tin về hàng hóa cũng như những thông tin quảng cáo có đúng như chất lượng sản phẩm được quảng cáo trên hệ thống hay không, cũng như các địa chỉ website/sàn thương mại điện tử uy tín. Đặc biệt là cần biết thông tin về các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để hỗ trợ giải quyết tranh chấp khi có tranh chấp xảy ra. Trên Hệ thống cũng đã có những contact point của những cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền tại các quốc gia để có thể hỗ trợ các doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng trong quá trình tham gia Chương trình.
Phóng viên: Trong năm thứ 3 tổ chức ASEAN Online Sale Day, chúng ta cũng sẽ kế thừa và phát huy tất cả những thế mạnh của Chương trình trong 2 năm trước. Bộ Công Thương có đặt ra những kỳ vọng gì cho ASEAN Online Sale Day 2022 để có thể thúc đẩy thương mại điện tử và nền kinh tế số nói chung của Việt Nam?
Bà Nguyễn Thị Minh Huyền: Có thể nói ASEAN là một khu vực rất năng động và được nhìn nhận là khu vực có tiềm năng và tốc độ phát triển thương mại điện tử lớn trên thế giới. Dự báo tiềm năng phát triển thương mại điện tử ASEAN sẽ đạt tốc độ tăng trưởng 18% với quy mô 234 tỷ USD vào năm 2025. Việc phát triển và triển vọng của Chương trình ASEAN Online Sale Day cũng là một trong những nòng cốt đóng góp vào việc thúc đẩy phát triển chung của thương mại điện tử trong khu vực ASEAN. Là quốc gia khởi xướng sáng kiến về Chương trình, Bộ Công Thương coi đây là chương trình thường niên cùng với 10 quốc gia ASEAN để thúc đẩy thương mại điện tử xuyên biên giới. Ban công tác chuyên trách của Chương trình cũng đã lên kế hoạch để các năm sau có những điểm mới so với những năm trước đó cũng như có những đánh giá để hoàn thiện Chương trình qua các năm.
Với việc xác định mục tiêu như vậy, Bộ Công Thương kỳ vọng Chương trình sẽ ngày càng lan tỏa và có sức hút đối với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và coi đây là một Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam thúc đẩy phát triển thương mại điện tử trong khối ASEAN.
Phóng viên: Với mỗi khách mời khi đến với chương trình chúng tôi sẽ đưa ra một vài từ khóa để khách mời bày tỏ quan điểm của mình. Và chúng tôi muốn nghe quan điểm của bà đối với mỗi từ khóa sau đây
Bà Nguyễn Thị Minh Huyền:
Chiến lược: Rất quan trọng. Việc có một chiến lược đúng đắn và có mục tiêu rõ ràng sẽ giúp cho doanh nghiệp tận dụng được những cơ hội của thương mại điện tử xuyên biên giới nói chung và Chương trình Ngày mua sắm trực tuyến ASEAN nói riêng
Công nghệ số: Với tốc độ phát triển ngày càng nhanh và liên tục của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thì những mô hình công nghệ mới sẽ thường xuyên ra đời. Việc lựa chọn công nghệ cũng là một trong những yếu tố then chốt quyết định thành công của doanh nghiệp khi tham gia thương mại điện tử.
Thanh toán trực tuyến: Việc ứng dụng thanh toán trực tuyến trong thương mại điện tử sẽ giúp cho cả quy trình thương mại điện tử được triển khai một cách trọn gói và mang lại những trải nghiệm tốt cho người tiêu dùng và góp phần làm nên thành công của thương mại điện tử.
Logistic: Là một từ khóa mà doanh nghiệp thương mại điện tử cần phải ghi nhớ trong thời điểm hiện nay vì việc tiết kiệm chi phí logistic cũng chính là tiết kiệm được chi phí của doanh nghiệp khi tham gia thương mại điện tử cũng như tiết kiệm được thời gian giao hàng sẽ mang lại được dịch vụ chất lượng cho người tiêu dùng khi tham gia thương mại điện tử.
Phóng viên: Xin cảm ơn Bà Nguyễn Thị Minh Huyền - Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử & Kinh tế số, Bộ Công Thương đã tham gia chương trình Việt Nam On ngày hôm nay./.
Nguồn: Tổng hợp
-
Đại diện Cục TMĐT và KTS chia sẻ tại buổi thông tin khoa học chủ đề Phát triển kinh tế số ở Việt Nam02/10/2023Sáng 28/9/2023, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Khoa Kinh tế chính trị tổ chức thông tin khoa học: “Phát triển kinh tế số ở Việt Nam”. Tham dự buổi thông tin khoa học có ông Nguyễn Thế Quang, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương; ông Vũ Minh Ngọc, chuyên viên Trung tâm Phát triển thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương; TS. Nguyễn Thị Kim Thu, Phó trưởng Khoa Kinh tế chính trị; TS. Nguyễn Thị Khuyên, Phó trưởng Khoa Kinh tế chính trị.
-
Đào tạo, tập huấn kiến thức thương mại điện tử cho các cán bộ quản lý nhà nước, doanh nghiệp tỉnh Bình Định năm 202318/09/2023Ngày 15/9 vừa qua, tại TP Quy Nhơn (Bình Định) Cục Thương mại điện tử & Kinh tế số đã phối hợp với sở Công Thương tỉnh Bình Định tổ chức Hội nghị “Tập huấn kiến thức thương mại điện tử (TMĐT) cho các cán bộ quản lý nhà nước, doanh nghiệp” nhằm nâng cao năng lực, hướng dẫn các kỹ năng ứng dụng TMĐT cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, tổ chức trên địa bàn tỉnh.
-
Phát triển Đổi mới sáng tạo trở thành động lực xây dựng nền kinh tế số18/09/2023Chiều 14/9 tại TP. Nam Định, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông, Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì tổ chức Hội thảo "Phát triển Đổi mới sáng tạo trở thành động lực xây dựng nền kinh tế số". Hội thảo chuyên đề nằm trong khuôn khổ Diễn đàn Quốc gia Phát triển Kinh tế số và Xã hội số lần thứ I với chủ đề "Mang nền tảng số đến hộ gia đình" do Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Kinh tế Trung ương và UBND tỉnh Nam Định đồng chủ trì.
-
Chương trình Nâng cao năng lực các nước CLMV nhằm thực thi Chương trình chuyển đổi số trong ASEAN18/09/2023Theo Statista, ASEAN, khu vực phát triển năng động nhất thế giới, được dự báo đạt doanh thu thương mại điện tử 175 tỷ USD vào cuối năm 2027. Trong khi Diễn đàn Đông Á dự báo kinh tế số khu vực ASEAN sẽ tăng trưởng 6% mỗi năm và đạt 1 nghìn tỷ USD vào năm 2030.
-
Nâng cao năng lực quản lý và phát triển TMĐT toàn quốc15/09/2023Ngày 14/9/2023, tại thành phố Quy Nhơn (tỉnh Bình Định), Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (TMĐT&KTS) - Bộ Công Thương phối hợp với Sở Công Thương tỉnh Bình Định tổ chức Hội thảo quản lý và phát triển TMĐT toàn quốc nhằm nâng cao năng lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực TMĐT cho cán bộ quản lý, chuyên viên thuộc Sở Công Thương các tỉnh, thành phố toàn quốc.