-
Nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động thương mại điện tử ở Việt Nam02/08/2013Ở Việt Nam, thương mại điện tử (TMĐT) hiện đang là một lĩnh vực hấp dẫn, thu hút nhiều sự quan tâm của doanh nghiệp và người dân.
Giai đoạn 2001-2010 được coi là thập kỷ hình thành TMĐT và có thể thấy đến cuối giai đoạn này, hạ tầng cơ bản cho ứng dụng TMĐT tại Việt Nam đã được xác lập. Thanh toán điện tử đã có những tiến bộ lớn từ năm 2007, góp phần đẩy mạnh hoạt động mua bán trực tuyến thông qua Internet. Doanh nghiệp trong các lĩnh vực dịch vụ đã biết tận dụng ưu điểm của TMĐT để phát triển các kênh bán hàng trực tuyến, điển hình là các hãng hàng không, công ty du lịch, khách sạn, v.v… Nhiều doanh nghiệp thiết lập website TMĐT để bán hàng hoặc để cho các doanh nghiệp, tổ chức khác tham gia bán hàng hóa hoặc dịch vụ trên website của mình.
Theo Báo cáo Thương mại điện tử năm 2012 của Bộ Công Thương (xem toàn văn Báo cáo tại www.vecita.gov.vn), 42% doanh nghiệp tham gia khảo sát đã xây dựng webite. 89% các website này có chức năng giới thiệu sản phẩm và 38% có chức năng đặt hàng trực tuyến. Trong khi đó, khảo sát của Công ty công nghệ thanh toán toàn cầu VISA cho biết, trong năm 2012, 71% người dùng Internet ở Việt Nam có tham gia mua hàng trực tuyến với doanh số TMĐT bán lẻ đạt khoảng 667 triệu USD. 90% trong số đó cho biết họ sẽ tiếp tục mua hàng trực tuyến trong tương lai. So với tỷ lệ 30% người tham gia khảo sát cho biết từng mua hàng trực tuyến trước đó một năm, những con số này cho thấy sự tăng trưởng nhanh chóng về mức độ tham gia TMĐT của người tiêu dùng trẻ tại các thành phố lớn.
Tuy nhiên, do đặc thù của hoạt động mua bán trên không gian ảo, người mua và người bán không gặp mặt trực tiếp, người sở hữu website TMĐT là người đưa ra luật lệ cho giao dịch, đề ra các điều khoản hợp đồng và cung cấp hàng hóa cho người tiêu dùng. Vì vậy, tính minh bạch trong giao dịch và quyền lợi của người tiêu dùng trong các giao dịch thường bị xem nhẹ. Chỉ cần một cú nhấp chuột đơn giản, người tiêu dùng đã có thể ở trong tình thế buộc phải mua sản phẩm cho dù thực tế sản phẩm có thể không giống với quảng cáo của người bán.
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của các ứng dụng TMĐT, hoạt động TMĐT cũng ngày càng đa dạng về hình thức, phức tạp về tính chất và có tác động xã hội rộng lớn. Nhiều nhóm đối tượng dựa trên nền tảng và lợi dụng tính năng riêng biệt của phương tiện điện tử để thực hiện các hoạt động thương mại phi pháp như kinh doanh đa cấp bất chính, lừa đảo… Điển hình như Công ty Muaban24 chỉ trong vòng một năm đã lôi kéo hàng chục nghìn người tham gia mạng lưới kinh doanh đa cấp, với khoảng 12.000 gian hàng ảo được bán ra, kiếm lợi bất chính khoảng hơn 600 tỷ đồng. Tính chất phức tạp của mô hình kinh doanh TMĐT nói chung đòi hỏi một hành lang pháp lý chặt chẽ hơn, với các biện pháp chế tài đủ mạnh để xây dựng một tập quán thương mại hiện đại và lành mạnh cho Việt Nam.
Nâng cao hiệu quả quản lý TMĐT
Năm 2005 là năm đầu tiên các cơ quan Nhà nước ban hành những chính sách và văn bản quy phạm pháp luật quan trọng cho sự phát triển của TMĐT, điển hình là Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2006-2010, Luật giao dịch điện tử, Luật thương mại sửa đổi và Bộ Luật dân sự sửa đổi. Năm 2006, Nghị định số 57/2006/NĐ-CP về thương mại điện tử được ban hành để hướng dẫn Luật Giao dịch điện tử. Tuy nhiên, những chính sách và văn bản quy phạm pháp luật này chỉ là những quy định khung mang tính nền tảng, chưa có quy định chi tiết về các hoạt động ứng dụng TMĐT cụ thể trong xã hội.
TMĐT đang phát triển với tính chất ngày càng phức tạp. Để cơ quan quản lý nhà nước có thể can thiệp ngăn chặn kịp thời những loại hình kinh doanh phi pháp đưới danh nghĩa TMĐT, đòi hỏi phải có một văn bản pháp lý đủ mạnh và có tầm bao quát lớn, đặt nền tảng cho việc xây dựng cơ chế cũng như tổ chức triển khai các hoạt động thực thi pháp luật và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển TMĐT.
Năm 2013: Nghị định 52/2013/NĐ-CP được ban hành, thiết lập một trật tự quản lý mới cho các mô hình kinh doanh TMĐT.
Đáp ứng nhu cầu thực tiễn kể trên, Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử ra đời thay thế Nghị định số 57/2006/NĐ-CP và có hiệu lực pháp lý từ ngày 1/7/2013. So với Nghị định cũ, Nghị định 52/2013/NĐ-CP có tính bao quát và cụ thể hơn nhiều.
Nghị định 52/2013/NĐ-CP quy định cụ thể ba cấp độ quản lý đối với hoạt động TMĐT: 1) Các thương nhân, tổ chức, cá nhân khi thiết lập website TMĐT bán hàng phải thông báo với cơ quan quản lý nhà nước; 2) Các thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ TMĐT hoặc tổ chức đánh giá tín nhiệm website TMĐT phải tiến hành đăng ký; 3) Các tổ chức đánh giá và chứng nhận chính sách bảo vệ thông tin cá nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử phải xin cấp phép trước khi hoạt động.
Một điểm nổi bật trong nội dung của Nghị định là việc phân chia các loại hình website TMĐT nhằm tạo điều kiện cho công tác quản lý. Theo đó, các website TMĐT được phân chia thành website TMĐT bán hàng và website cung cấp dịch vụ TMĐT. Tiếp đến, các website cung cấp dịch vụ TMĐT lại được chia thành sàn giao dịch TMĐT, website khuyến mại trực tuyến và website đấu giá trực tuyến.
Tương ứng với từng loại hình website TMĐT khác nhau này, Nghị định 52 quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia hoạt động TMĐT trên website, quy trình phải tuân thủ khi giao kết hợp đồng, các vấn đề an toàn, an ninh trong giao dịch, đồng thời quy định một số biện pháp giám sát của bên thứ ba như hoạt động đánh giá tín nhiệm website TMĐT, đánh giá và chứng nhận chính sách bảo vệ thông tin cá nhân trong TMĐT, v.v…
Một điểm cần chú ý nữa trong Nghị định mới về Thương mại điện tử là quy định tại Điều 4 về các hành vi bị cấm trong hoạt động TMĐT, trong đó liệt kê cụ thể những hành vi phạm về hoạt động kinh doanh, về thông tin, giao dịch trên website TMĐT và các vi phạm khác. Những quy định này là nhằm ngăn chặn những mô hình kinh doanh không lành mạnh, xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng và làm ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của TMĐT.
Cổng thông tin Quản lý hoạt động TMĐTwww.online.gov.vn – Công cụ đắc lực để quản lý hoạt động TMĐT
Nhằm hướng dẫn một số quy định về quản lý các website TMĐT tại Nghị định 52/2013/NĐ-CP, ngày 20/6/2013, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 12/2013/TT-BCT có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2013, cùng thời điểm với Nghị định này.
Thông tư số 12/2013/TT-BCT quy định cụ thể về các bước tiến hành thông báo, đăng ký website TMĐT, đăng ký hoạt động đánh giá tín nhiệm website TMĐT và công bố thông tin trên Cổng thông tin Quản lý hoạt động TMĐT tại địa chỉ www.online.gov.vn.
Thông qua Cổng thông tin Quản lý hoạt động TMĐT, các nhóm đối tượng có thể tiến hành thủ tục thông báo và đăng ký trực tuyến với Bộ Công Thương. Cổng thông tin Quản lý hoạt động TMĐT còn là nơi công bố công khai danh sách các website đã thực hiện thủ tục thông báo hoặc đăng ký với Bộ Công Thương cũng như các website vi phạm quy định của Nghị định về Thương mại điện tử và các văn bản pháp luật liên quan. Nhờ vậy, người tiêu dùng có thể tra cứu đồng thời trở thành “người giám sát” hoạt động của các website TMĐT thông qua chức năng tiếp nhận ý kiến phản ánh trên Cổng thông tin Quản lý hoạt động TMĐT.
Việc ra đời của Nghị định 52/2013/NĐ-CPbao gồm rất nhiều điểm mới trong công tác quản lý và đặc biệt là bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng đã mang đến sự yên tâm cho người tiêu dùng và cũng là một công cụ nhằm nâng cao hiệu quả quản lý các hoạt động TMĐT.
Để nâng cao hiệu lực thực thi của quy định pháp luật, các biện pháp chế tài, xử phạt là một trong những biện pháp thường được nhắc đến. Hiện Bộ Công Thương cũng đang soạn thảo Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, trong đó có một mục riêng về “Hành vi vi phạm trong lĩnh vực TMĐT”. Việc ban hành các biện pháp chế tài này sẽ góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với lĩnh vực còn mới mẻ và tương đối phức tạp này.
Những thách thức đặt ra trong việc quản lý TMĐT thời gian tới
Mặc dù TMĐT phát triển sôi động trong thời gian qua, tuy nhiênvẫn còn nhiều thách thức đặt ra cho giao dịch trên mạng, đặc biệt là việc xây dựng lòng tin của người dân và doanh nghiệp. Vấn đề này vượt khỏi phạm vi các biện pháp chế tài và quản lý hành chính của các cơ quan nhà nước mà đòi hỏi sự chung sức của cả người dân và doanh nghiệp.
Việc ban hành các quy định pháp luật tự thân nó không thể giải quyết được mọi vấn đề. Các quy định pháp luật được xây dựng nhằm đưa ra những chuẩn mực chung về cách hành xử cho những chủ thể tham gia một lĩnh vực cụ thể của đời sống xã hội. Do vậy, dù ở bất kỳ lĩnh vực nào, quy định pháp luật cũng chỉ có thể được xây dựng sau một quá trình quan sát và đúc kết từ các hành vi thực tiễn trong đời sống xã hội. TMĐT và các hoạt động trên nền Internet là một lĩnh vực mới, lại dựa trên những công nghệ liên tục được đổi mới và cập nhật, nên điều này được thể hiện rõ nét hơn so với những lĩnh vực hoạt động truyền thống, nơi mà các hình thái ứng xử, các hành vi của chủ thể đã được định hình từ rất lâu và có sự phát triển tương đối ổn định.
Để những quy định pháp luật có thể được triển khai hiệu quả cần có sự hợp tác của cả doanh nghiệp và người dân. Doanh nghiệp cần phải làm nhiều hơn mức chuẩn mực chung mà pháp luật quy định để xây dựng lòng tin của người tiêu dùng vào một mô hình kinh doanh hay một đơn vị kinh doanh cụ thể. Điều này đòi hỏi nỗ lực liên tục và lâu dài từ phía doanh nghiệp nhằm xây dựng uy tín, thương hiệu. Và bản thân người tiêu dùng cũng là một lực lượng đáng kể giúp xây dựng môi trường giao dịch lành mạnh, thông qua việc theo dõi, giám sát và phản hồi nhằm loại bỏ những doanh nghiệp làm ăn không nghiêm túc.
Trong thời gian tới, các cơ quan quản lý nhà nước phối hợp với cơ quan truyền thông cần đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền, định hướng cho người dân và doanh nghiệp hiểu và làm theo các quy định của pháp luật; định hướng cho người dân biết và giao dịch trên những website TMĐT uy tín; tuyên truyền đúng mức để mọi người tránh xa những mô hình kinh doanh vi phạm pháp luật nhưng không gây hoang mang, mất lòng tin vào toàn bộ hoạt động TMĐT; góp phần xây dựng một môi trường TMĐT trong sạch trong tương lai./.
Nguồn: Vecita
-
Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn làm việc với Bộ Công Thương20/09/2024Ngày 17 tháng 9, tại trụ sở Bộ Công Thương, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã có buổi làm việc với Bộ Công Thương về tình hình thực hiện nhiệm vụ được giao trong 8 tháng năm 2024, những khó khăn vướng mắc và giải pháp thúc đẩy trong thời gian tới.
-
Xin Chào Hà Nội: Tăng trưởng kinh doanh toàn cầu với Thương mại điện tử và Giải pháp số30/08/2024“Xin Chào Hà Nội: Tăng trưởng kinh doanh toàn cầu với Thương mại điện tử và Giải pháp số” là chương trình được thiết kế trong một ngày, nhằm hỗ trợ Doanh nghiệp tận dụng thế mạnh của thương mại điện tử xuyên biên giới và các giải pháp kỹ thuật số để phát triển kinh doanh một cách bền vững.
-
Thủ tướng chỉ đạo quyết liệt, thực hiện hiệu quả chuyển đổi số và Đề án 0611/07/2024Ngày mùng 10 tháng 7, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì Phiên họp lần thứ 9 của Ủy ban và Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ, Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2024 về chuyển đổi số quốc gia và Đề án 06 của Chính phủ. Cùng dự có Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban. Phiên họp và Hội nghị được truyền trực tuyến tới các bộ, ngành, 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
-
Chỉ còn 12% người tiêu dùng xem thanh toán không tiền mặt là trở ngại nhỏ17/06/2024Chỉ còn 12% người tiêu dùng xem thanh toán không tiền mặt là trở ngại nhỏ, chứng tỏ hạ tầng thanh toán không tiền mặt luôn sẵn sàng, thuận tiện với người dùng.
-
Tập trung thực hiện 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển thương mại điện tử11/06/2024Kết luận Hội nghị sáng 10 tháng 6, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các cấp, các ngành, nhất là bộ trưởng, trưởng ngành, thủ trưởng các cơ quan, chủ tịch UBND các địa phương tập trung thực hiện 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển thương mại điện tử, mang lại lợi ích cụ thể, thiết thực cho người dân và doanh nghiệp.