• Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số tổ chức tổng kết công tác năm 2024 và triển khai kế hoạch năm 2025
    03/01/2025
    Ngày 03 tháng 01 năm 2025, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai kế hoạch năm 2025.

    Cục trưởng Lê Hoàng Anh chủ trì Hội nghị

    Toàn thể cán bộ, công chức, viên chức Cục TMĐT và KTS tham dự Hội nghị

    Thương mại điện tử duy trì mức tăng trưởng ấn tượng

    Báo cáo tại Hội nghị cho biết, năm 2024, tình hình phát triển kinh tế - xã hội cả nước nói chung và ngành Công Thương nói riêng diễn ra trong bối cảnh thế giới tiếp tục có những biến động lớn và khó lường với nhiều cơ hội và thách thức đan xen. Xu hướng phi toàncầu hoá trỗi dậy, chính sách bảo hộ xuất hiện trở lại ở nhiều nước dưới nhiều hình thức khác nhau. Tuy nhiên, đầu tư toàn cầu có xu hướng dịch chuyển mạnh sang lĩnh vực kỹ thuật số, các công ty đa quốc gia trong lĩnh vực kỹ thuật số đang phát triển nhanh và thay đổi bản chất của đầu tư, thương mại xuyên biên giới. Trong nước, năm 2024 là năm thứ tư thực hiện kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 với nhiệm vụ nặng nề là phấn đấu cao nhất để đạt được các mục tiêu đã đề ra trong bối cảnh các năm đầu của kỳ kế hoạch gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid -19 và biến động địa chính trị toàn cầu.

    Trong khi đó, thương mại điện tử (TMĐT) vẫn tiếp tục được dự đoán giữ tốc độ tăng trưởng gần gấp 3 lần so với tốc độ tăng trưởng của thương mại truyền thống trên toàn cầu, đóng góp khoảng 20% vào tổng doanh thu hàng hóa, dịch vụ bán lẻ vào năm 2024. Đông Nam Á tiếp tục là khu vực có tốc độ tăng trưởng TMĐT và kinh tế số (KTS) cao nhất thế giới.

    TMĐT Việt Nam tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng ấn tượng, đạt mức 18 - 25% mỗi năm. Năm 2024, quy mô thị trường thương mại điện tử sớm vượt mốc 25 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2023, chiếm tỷ trọng khoảng 9% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Tỷ trọng về thương mại điện tử chiếm 2/3 giá trị của nền kinh tế số Việt Nam. Tốc độ tăng trưởng của TMĐT, KTS Việt Nam tiếp tục tăng trưởng hai con số vững chắc, thuộc Top 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng TMĐT hàng đầu thế giới, tạo động lực phát triển kinh tế số và dẫn dắt chuyển đổi số trong doanh nghiệp.

    Tăng cường vai trò quản lý nhà nước trong lĩnh vực TMĐT

    Nhằm tạo tiền đề thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của TMĐT tại Việt Nam trong năm 2024 và các năm tiếp theo, công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực TMĐT ngày càng được chú trọng.

    Trên cơ sở tổng kết Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 ban hành kèm theo Quyết định 645 của Thủ tướng Chính phủ, Cục TMĐT và KTS đã xây dựng Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2026 - 2030, trong đó tập trung các giải pháp cho phát triển TMĐT xanh, bền vững, tăng cường liên kết vùng. Hiện, kế hoạch đang trong giai đoạn hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong năm 2025.

    Trong bối cảnh hội nhập và phát triển năng động của TMĐT, Việt Nam trở thành điểm đến mới của các nền tảng TMĐT xuyên biên giới. Cục đã triển khai quyết liệt hàng loạt biện pháp tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực TMĐT xuyên biên giới như: Đề xuất Thủ tướng Chính phủ ban hành công điện số 119/CĐ-TTg về việc tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về TMĐT, trong đó có nội dung nghiên cứu, đề xuất ban hành Luật chuyên ngành về TMĐT; Yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới nghiêm túc tuân thủ pháp luật về TMĐT khi tham gia cung cấp dịch vụ tại Việt Nam; Tăng cường truyền thông hướng dẫn người tiêu dùng thận trọng khi mua sắm trực tuyến trên các nền tảng TMĐT xuyên biên giới chưa được Bộ Công Thương cấp phép…

    Đẩy mạnh triển khai, ứng dụng Chính phủ điện tử, chính phủ số tại Bộ Công Thương

    Đến thời điểm này, Cổng DVC Bộ Công Thương đang cung cấp 267 DVCTT (168 DVCTT toàn trình, 99 DVCTT một phần), với hơn 54.000 doanh nghiệp tham gia khai báo. Tổng số hồ sơ nộp qua các DVCTT của Bộ trong 11 tháng đầu năm 2024 là hơn 2 triệu bộ hồ sơ, tương ứng hơn 99% tổng số hồ sơ được gửi đến Bộ.

    Năm 2024, Bộ Công Thương xếp thứ nhất trong số các bộ, ngành theo xếp hạng của Bộ chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện TTHC, cung cấp DVC.

    Cục TMĐT và KTS cũng đang triển khai nhiều Đề án, Hệ thống của Bộ Công Thương với các Bộ, ngành liên quan nhằm thực hiện công tác kết nối, liên thông giữa Bộ Công Thương và các Bộ, ngành, tối đa hóa lợi ích mà Chính phủ số mang lại.

    Cục đã hoàn thành việc kết nối cổng dịch vụ công trực tuyến Bộ Công Thương với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, qua đó, các cán bộ, công chức có thể tiến hành tra cứu thông tin của người dân, người đại diện doanh nghiệp tham gia vào TTHC của Bộ Công Thương.

    Cục cũng đã hoàn thành chia sẻ dữ liệu với Tổng cục Thuế về các website/ứng dụng TMĐT bán hàng và website/ứng dụng cung cấp dịch vụ TMĐT, sớm hơn một năm so với thời hạn đặt ra tại Chỉ thị số 18 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển TMĐT, chống thất thu thuế, bảo đảm an ninh tiền tệ.

    Thúc đẩy hợp tác quốc tế TMĐT và TMĐT xuyên biên giới

    TMĐT và KTS đang trở thành động lực cho sự phát triển kinh tế của nhiều quốc gia và khu vực trên thế giới. ASEAN đã xây dựng nhiều chiến lược, kế hoạch tổng thể và tích cực tham gia các Hiệp định thương mại tự do, trong đó bao gồm các cam kết về thương mại điện tử và kinh tế số.

     Cục TMĐT và KTS đã chủ trì kết thúc đàm phán Chương Kinh tế số của Hiệp định ASEAN – Trung Quốc và Chương Thương mại số trong Hiệp định đối tác VN-UAE CEPA trong khoảng thời gian kỷ lục 16 tháng. Đồng thời, Cục tiếp tục là đầu mối chủ trì đàm phán Hiệp định khung ASEAN về Kinh tế số - Hiệp định khu vực đầu tiên trong lĩnh vực KTS và được dự báo sẽ giúp quy mô nền KTS của Việt Nam tăng trưởng gấp 6,5 lần vào năm 2030 so với năm 2023. Các cam kết KTS trong các FTA sẽ tạo ra một không gian phát triển tiềm năng cho TMĐT xuyên biên giới trong thời gian tới.

    Xác định TMĐT xuyên biên giới được là đòn bẩy cho xuất khẩu trực tuyến, năm 2024, Cục TMĐT và KTS đã tổ chức các Hội nghị Xúc tiến TMĐT xuyên biên giới với một số thị trường trọng điểm, tiềm năng như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Singapore và Campuchia với mục tiêu giới thiệu, thúc đẩy hợp tác kinh doanh, đầu tư nói chung và TMĐT nói riêng, từ đó, nâng cao năng lực xuất khẩu bằng phương thức truyền thống cũng như thông qua ứng dụng TMĐT, công nghệ số.         

    Trong năm 2025, Cục TMĐT và KTS đề ra mục tiêu tiếp tục thực hiện hiệu quả, thực chất hơn các chiến lược, trong đó, trọng tâm là hoàn thiện cải cách thể chế, chính sách pháp luật về TMĐT thông qua công tác xây dựng Luật chuyên ngành về TMĐT, Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2026-2030; tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng TMĐT và KTS ngành Công Thương; thúc đẩy phát triển các hoạt động TMĐT quy mô quốc gia, quy mô vùng, đặc biệt chú trọng chuyển đổi số chợ truyền thống một cách hiệu quả, toàn diện; tăng cường triển khai TMĐT xuyên biên giới như một công cụ xuất khẩu hữu hiệu; tiếp tục phối hợp với các bộ, ban, ngành đẩy mạnh công tác quản lý, giám sát, thực thi pháp luật trong TMĐT; kiện toàn công tác cán bộ, nâng cao chất lượng công tác cán bộ trong đơn vị và phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao, xây dựng bộ máy liêm chính, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp.

    Nguồn: Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số
Tin mới
Tin tức
TRA CỨU
WEBSITE THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ ĐÃ ĐĂNG KÝ/THÔNG BÁO VỚI BỘ CÔNG THƯƠNG
LIÊN KẾT