-
Thay đổi vì một cộng đồng Doanh nhân nữ mạnh mẽ và thích ứng hơn10/11/2020Với chủ đề “Thay đổi vì một cộng đồng Doanh nhân nữ mạnh mẽ và thích ứng hơn", sáng ngày 9/11, Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nhân nữ Asean đã diễn ra tại Hà Nội.
Tham dự Hội nghị có Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh; Thứ trưởng Bộ LĐ- TB&XH Lê Tấn Dũng; Chủ tịch Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc, cùng đại diện các bộ, ban, ngành, Ban Thư ký Asean, Ủy ban Phụ nữ Asean, đại diện các đại sứ quán, các tổ chức quốc tế, các hiệp hội doanh nhân nữ. Tham dự trực tuyến có ông Dato Lim Jock Hoi - Tổng thư ký Asean; bà Victoria Kwakwa - Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới. Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số Nguyễn Thị Minh Huyền đã tham dự Hội nghị và với vai trò chuyên gia, bà đã cùng trao đổi thảo luận với các đại biểu về một số vấn đề tại phiên họp "Thúc đẩy chuyển đổi số và phục hồi toàn diện cho doanh nghiệp do nữ làm chủ" trong khuôn khổ Hội nghị.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu Chủ động thích ứng
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh khẳng định sự nỗ lực, quyết tâm của Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam và các thành viên Mạng lưới doanh nhân nữ ASEAN (AWEN) đã đoàn kết, nắm bắt thời cơ; vượt qua khó khăn, thách thức hiện nay; thúc đẩy hợp tác, phát triển trong khu vực.
Phó Chủ tịch nước phát biểu tại Hội nghị Theo đó, đại dịch COVID-19 đã gây ra những tổn thất nặng nề cho nền kinh tế thế giới nói chung và các quốc gia ASEAN nói riêng. Bối cảnh kinh tế thế giới lâm vào khủng hoảng, suy thoái nặng nề với tăng trưởng âm, thương mại sụt giảm nghiêm trọng, thị trường tài chính biến động, đứt gãy các chuỗi cung ứng… tiềm ẩn nhiều rủi ro, ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế - xã hội ASEAN, trong đó có cộng đồng doanh nghiệp ASEAN. Do đó, sự thích ứng trong trạng thái bình thường mới cần thiết đối với tất cả các quốc gia, doanh nghiệp và người dân.
Đảm nhiệm cương vị Chủ tịch ASEAN 2020 trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát, Việt Nam nỗ lực tổ chức nhiều hoạt động phù hợp với chủ đề "Gắn kết và chủ động thích ứng". Từ Tuyên bố của Chủ tịch Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36 (6/2020), phụ nữ các nước khu vực ASEAN nói chung, nữ doanh nhân nói riêng đã được truyền cảm hứng mạnh mẽ với khẳng định cam kết của ASEAN vào nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ trong kỷ nguyên số.
Phó Chủ tịch nước mong muốn, các chuyên gia kinh tế Việt Nam, ASEAN và thế giới, các nhà hoạch định chính sách, các doanh nhân nữ ASEAN cùng nhau thảo luận tích cực, thẳng thắn nội dung các chủ đề cấp bách, thiết thực của Hội nghị; từ đó đưa ra các giải pháp, khuyến nghị, trình Hội đồng tư vấn kinh doanh ASEAN và các hội nghị cấp cao ASEAN có liên quan; góp phần xây dựng ASEAN vì "một tầm nhìn, một bản sắc, một cộng đồng gắn kết và thịnh vượng".
Tăng cường kết nối kỹ thuật số
Tại Hội nghị, bà Victoria Kwakwa, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới phụ trách khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương nhấn mạnh, thúc đẩy bình đẳng giới trong thị trường lao động và khu vực tư nhân là một chính sách kinh doanh khôn ngoan. Bà chia sẻ dữ liệu về sự ảnh hưởng của đại dịch covid 19 tới một nền kinh tế Asean đã đe dọa tới các tiến bộ đạt được trong thực hiện bình đẳng giới như thế nào.
Đồng thời, bà Victoria Kwakwa cũng đưa ra dẫn chứng về các thức trao quyền kinh tế cho phụ nữ, thông qua việc làm, khởi nghiệp và cung cấp dịch vụ chăm sóc trẻ em chất lượng, đây cũng chính là một trong số các giải pháp vượt qua thời điểm chưa từng có. Bà Kwakwa khuyến nghị các doanh nhân nữ Asean tiếp tục tăng cường kết nối kỹ thuật số.
Còn Tổng thư ký ASEAN Dato Lim Jock Hoi nhấn mạnh, đại dịch tác động nặng nề đến ngành may mặc, du lịch, giáo dục, đặc biệt với phụ nữ. Do đó, cần tạo cơ hội cho nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ do phụ nữ làm chủ.
Phó Cục trưởng Nguyễn Thị Minh Huyền tại phiên họp "Thúc đẩy chuyển đổi số
và phục hồi toàn diện cho doanh nghiệp do nữ làm chủ"
Chia sẻ về những cơ hội mới mà nền kinh tế kỹ thuật số mang lại cho doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ nói riêng, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số Nguyễn Thị Minh Huyền cho biết, kinh tế số là một khu vực kinh tế đóng góp rất đáng kể vào tổng thu nhập quốc dân của nhiều với các ước tính khác nhau (khoảng 8% GDP, khoảng 33% GDP, hay khoảng 87% GDP- Theo số liệu của Worldbank). Mặt khác, kinh tế số tạo ra các loại hình kinh doanh đa dạng và cải tiến không ngừng, đồng thời tạo thêm các loại hình việc làm hoàn toàn mới, thu hút được đông đảo nguồn lao động trong xã hội. Hơn nữa, kinh tế số còn mang lại nhiều giá trị gia tăng cho người tiêu dùng và xã hội. Kinh tế số đã trở thành xu thế tất yếu đối với mọi quốc gia trên thế giới.
Đại dịch Covid-19 bất ngờ xảy đến làm thay đổi mọi mặt của đời sống xã hội trên toàn cầu, đồng thời cũng làm thay đổi nhiều phương thức trao đổi, trong đó có giao dịch thương mại kinh tế. Có thể thấy trong đại dịch, các giao dịch điện tử lên ngôi, thương mại điện tử chiếm ưu thế trong mọi giao dịch thương mại. Do đó nắm bắt được xu thế và vận dụng tốt công nghệ là chìa khóa thành công cho nhiều cá nhân và cả doanh nghiệp
Việt Nam hiện có 95.906 doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, chiếm khoảng 21% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động. Phần lớn trong số này là các doanh nghiệp có quy mô nhỏ đến siêu nhỏ. Các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ có quy mô tương tự như các doanh nghiệp do nam giới làm chủ với doanh thu trung bình hàng năm tương tự nhau. Bên cạnh đó, theo thống kê của Tổng cục Thống kê, lực lượng lao động tại Việt Nam đã giảm sâu kỷ lục trong quý II của năm 2020, trong đó lao động nữ là nhóm chịu ảnh hưởng nặng nề hơn so với lực lượng lao động nam. Do đó vấn đề định hướng việc làm cho lao động nữ trong thời gian tới cần phải được chú trọng.
Số liệu thống kê của iPrice Group cho thấy bất chấp đại dịch Covid-19, 6 tháng đầu năm 2020, giá trị của các đơn hàng trực tuyến đạt 344.000 đồng, tăng 31% so với cùng kỳ năm 2019. Nhiều sàn thương mại điện tử cũng chứng kiến số lượng đơn hàng cao kỷ lục.
Thống kê của iPrice tại 5 công ty thương mại điện tử lớn trong khu vực Đông Nam Á cho thấy, cứ mỗi quý, 5 doanh nghiệp tạo ra hơn 800 cơ hội việc làm mới cho thị trường lao động và thương mại điện tử sẽ là mảnh đất giàu tiềm năng chào đón các nữ doanh nhân, nữ lãnh đạo Việt Nam trong tương lai gần.
Các sản phẩm và dịch vụ do doanh nghiệp phụ nữ làm chủ đa phần là các mặt mới đa dạng về hình thức, hàng thủ công, có tính sáng tạo cao, đòi hỏi tính thẩm mỹ. Với việc triển khai chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số vào chuỗi sản suất hay hoạt động thương mại sẽ giúp doanh nghiệp nói chung tăng năng suất lao động, giảm thiểu chi phí. Đặc biệt, ứng dụng công nghệ số vào hoạt động quản trị kinh doanh, quản trị doanh nghiệp sẽ giúp chủ doanh nghiệp, đặc biệt là nữ giới giảm thiểu được thời gian và tăng hiệu lực, hiệu quả rõ rệt. Đặt trong bối cảnh Covid-19 như hiện nay, rõ ràng, việc điều phối công việc từ xa, cuộc họp trực tuyến đang ngày càng trở nên phổ biến. Điều này sẽ giúp ích rất nhiều, đặc biệt đối với nữ doanh nghiệp khi có những ràng buộc, trách nhiệm với gia đình và con cái.
Như vậy, sự phát triển của chuyển đổi số sẽ mở ra cơ hội tiếp cận thị trường phi truyền thống như thương mại điện tử cho không chỉ các doanh nghiệp nói chung mà còn cho cả các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ.
Để có thể hỗ trợ các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ trong việc chuyển đổi kỹ thuật số và phục hồi toàn diện trong thời gian đại dịch, theo bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Chính phủ Việt Nam trong thời gian qua đã có phê duyệt, ban hành một số chính sách quan trọng, tạo nền tảng thúc đẩy thương mại điện tử, kinh tế sô và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Cụ thể: (i) Chiến lược chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, tầm nhìn 2030 đã được ban hành vào tháng 6 năm 2020 với các mục tiêu cơ bản để phát triển hạ tầng cơ sở và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, trong đó nhấn mạnh vào việc tạo môi trường thuận lợi cho người dân, lấy doanh nghiệp công nghệ số là lực lượng chủ lực để phát triển vươn ra toàn cầu. Theo đó đặt mục tiêu kinh tế số chiếm 20% GDP, tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%, năng suất lao động hàng năm tăng tối thiếu 7%. (ii) Quyết định số 645/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025 với các mục tiêu đề ra như: Hỗ trợ, thúc đẩy việc ứng dụng rộng rãi thương mại điện tử trong doanh nghiệp và cộng đồng; Xây dựng thị trường thương mại điện tử lành mạnh, có tính cạnh tranh và phát triển bền vững; Mở rộng thị trường tiêu thụ cho hàng hóa Việt Nam trong và ngoài nước thông qua ứng dụng thương mại điện tử, đẩy mạnh giao dịch thương mại điện tử xuyên biên giới; Trở thành quốc gia có thị trường thương mại điện tử phát triển thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu khu vực Đông Nam Á. Bộ Công Thương cũng đang tiến hành sửa đổi, bổ sung Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử và dự kiến sẽ trình Chính phủ ban hành vào năm 2021.
Đây là những cơ hội để phát triển kinh tế số, đặc biệt trong bối cảnh Covid-19 thì đây là hướng đi tốt nhất cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc chuyển đổi số không đơn giản. Theo một số liệu công bố gần đây, tỷ lệ thành công đối với doanh nghiệp chuyển đối số là 30% nhưng lại là xu hướng tất yếu. Nếu doanh nghiệp không quyết liệt ứng dụng công nghệ thì dù là có nhiều cơ hội nhưng thách thức tụt lại phía sau cũng rất lớn. Một trong những thách thức lớn nhất cho các doanh nghiệp đó là nguồn nhân lực có kỹ năng số, bởi vì theo dự đoán năm 2020 Việt Nam thiếu khoảng 500.000 chuyên gia trong lĩnh vực dữ liệu.
Bên cạnh việc hoàn thiện về mặt chính sách, thể chế, Việt Nam cũng đẩy nhanh quá trình hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin, nền tảng của cho phát triển nền kinh tế số. Trong những năm gần đây, Chính phủ đã triển khai nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ và xây dựng hạ tầng kỹ thuật công nghệ trên nhiều phương diện như hạ tầng viễn thông, internet; hạ tầng thanh toán (digital payment); hạ tầng chuyển phát nhanh; và đạt được những kết quả nhất định.
Từ góc độ cơ quan quản lý nhà nước, bà Nguyễn Thị Minh Huyền cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước đang có những bước đi tích cực nhằm thúc đẩy thương mại điện tử và kinh tế số.
Còn về phía doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Minh Huyền nhấn mạnh, các doanh nghiệp cần tích cực tham gia sâu vào quá trình chuyển đổi số, đặc biệt một số ngành mũi nhọn đã được nêu tại Chiến lược quốc gia; đẩy mạnh và hiệu quả ứng dụng công nghệ số trong hoạt động sản xuất, quản trị doanh nghiệp; ứng dụng thương mại điện tử một cách hiệu quả trong hoạt động kinh doanh nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh, tiếp cận thị trường, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh và hạn chế đi lại như hiện nay.
Thêm vào đó, để có thể khởi nghiệp với thương mại điện tử, doanh nghiệp cần phải nhận thức được và có tư duy đúng đắn về sự tất yếu của việc ứng dụng thương mại điện tử, nếu không doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với thách thức là tụt hậu hoặc có thể bị loại khỏi thị trường. Tư duy đúng đắn là điều cốt lõi, quyết định doanh nghiệp khởi nghiệp và ứng dụng thương mại điện tử có thành công hay không. Tiếp đó, doanh nghiệp cần phải xây dựng một kế hoạch, chiến lược cũng như lộ trình thực hiện. Trong đó, doanh nghiệp cần xác định, định vị được mình đang đứng ở đâu, mình muốn đi đến đâu để đưa ra lộ trình phù hợp. Và một điều đặc biệt quan trọng, là doanh nghiệp cũng cần phải biết sử dụng các công cụ đòn bẩy, như các sàn thương mại điện tử hay mạng xã hội uy tín.
Toàn cảnh Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nhân nữ Asean Tại 4 phiên họp: "Chủ động thích ứng với đại dịch COVID-19"; "Thúc đẩy chuyển đổi số và phục hồi toàn diện cho doanh nghiệp do nữ làm chủ"; "Đầu tư thông minh qua lăng kính giới"; "Thúc đẩy quan hệ hợp tác hiệu quả thông qua các mạng lưới", Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nhân nữ Asean đã thông qua một số khuyến nghị về cải thiện cơ hội tiếp cận nguồn lực hỗ trợ, đặc biệt nguồn tài chính từ Chính phủ, tổ chức tín dụng, tổ chức xã hội cho nữ doanh nhân; thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực, tăng cường năng lực, cơ hội tiếp cận công nghệ mới, trang bị kiến thức, công cụ kỹ thuật số cho nữ doanh nhân; từng bước chuyển đổi số cho doanh nghiệp kể cả các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs) do phụ nữ làm chủ; xây dựng hệ sinh thái đáp ứng giới để phát triển doanh nghiệp; tăng cường chính sách tài chính quốc gia, khuôn khổ pháp lý, cơ sở hạ tầng và cải cách thể chế để khuyến khích tạo thị trường vốn, thúc đẩy đầu tư thông minh trong hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ...
Nguồn: Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số
-
Đào tạo chuyển đổi số cho các ban quản lý chợ, tiểu thương tại Thành phố Hồ Chí Minh02/07/2025Ngày 02 tháng 7 năm 2025 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương đã phối hợp với trường Đại học Công thương Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Chương trình đào tạo chuyển đổi số cho các Ban quản lý chợ, tiểu thương tại địa bàn thành phố. Đây là một trong những hoạt động trọng tâm nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng và năng lực ứng dụng công nghệ số cho bà con tiểu thương chợ truyền thống.
-
Dự thảo Luật Thương mại điện tử: Nỗ lực hoàn thiện khung pháp lý, thúc đẩy phát triển bền vững01/07/2025Ngày 30 tháng 6 năm 2025, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến về Dự án Luật Thương mại điện tử (TMĐT) do Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân chủ trì, với sự tham gia thành viên Tổ soạn thảo, đại diện các bộ, ngành, hiệp hội, chuyên gia, cộng đồng doanh nghiệp và cơ quan thông tấn báo chí.
-
Dự thảo Luật Thương mại điện tử tập trung vào 6 nhóm chính sách lớn30/06/2025Chiều ngày 30⁄6⁄2025, tại trụ sở Bộ Công Thương, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân chủ trì Hội nghị lấy ý kiến dự thảo Luật Thương mại điện tử.
-
Hội nghị lấy ý kiến về Dự thảo Luật Thương mại điện tử26/06/2025Ngày 30 tháng 6 năm 2025, Bộ Công Thương sẽ tổ chức Hội nghị lấy ý kiến về Dự án Luật Thương mại điện tử (TMĐT) dự kiến do Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì, với sự tham gia của đại diện các bộ, ngành, hiệp hội, chuyên gia, cộng đồng doanh nghiệp và cơ quan thông tấn báo chí.
-
Thương mại điện tử mở đường cho hàng hóa miền Trung vươn xa26/06/2025Thương mại điện tử đang mở hướng đi chiến lược giúp miền Trung phát triển bền vững, kết nối vùng miền, số hóa đặc sản và hội nhập sâu vào nền kinh tế số quốc gia.