• Diễn đàn Chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng hoá, Tận dụng cơ hội từ Hiệp định EVFTA
    29/07/2020
    Sáng 28/7 tại Hà Nội, Bộ Công Thương phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam đồng tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng hoá 2020. Đây là hoạt động thiết thực với mong muốn hỗ trợ mạnh mẽ các doanh nghiệp triển khai chuyển đối số thành công, tận dụng tối đa cơ hội từ EVFTA.

    Diễn đàn này nhằm trao đổi trực tiếp với cộng đồng doanh nghiệp, lắng nghe và giải đáp các thắc mắc cũng như đề xuất các giải pháp để giúp cộng đồng doanh nghiệp có được điều kiện thuận lợi nhất có thể, không chỉ ở khía cạnh xuất khẩu mà còn về nhập khẩu.

    Tham dự Diễn đàn có đại diện gần 500 doanh nghiệp liên quan tới kinh doanh xuất nhập khẩu, đại diện Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam và nhiều hội, hiệp hội liên quan tới công nghệ thông tin (CNTT) và xuất nhập khẩu (XNK), các tổ chức trong nước và quốc tế, đại diện nhiều cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương và địa phương, các cơ quan báo chí truyền thông. Đồng thời có hàng chục nghìn khách tham dự trực tuyến. Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng và Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc đã tham dự và phát biểu tại Diễn đàn.

    Thứ trưởng Cao Quốc Hưng phát biểu khai mạc tại Diễn đàn

    Chuyển đổi số mở ra cánh cửa mới cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu

    Theo Sách trắng Việt Nam và Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã triển khai thương mại điện tử nhằm hỗ trợ xuất nhập khẩu theo cả mô hình doanh nghiệp tới doanh nghiệp (B2B) cũng như doanh nghiệp tới người tiêu dùng (B2C). Xét trên phạm vi toàn cầu, thương mại điện tử xuyên biên giới tăng trưởng rất nhanh và trở thành xu thế nổi bật của thương mại điện tử trong những năm gần đây.

    “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 3/6/2020 tại Quyết định số 749/QĐ-TTg cũng như Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT giai đoạn 2021-2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 15/5/2020 tại Quyết định số 645/QĐ-TTg đều xác định rõ chuyển đổi số là quá trình tất yếu của Việt Nam nhằm đẩy mạnh hiện đại hoá hệ thống phân phối, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu.

    Giữa đà tăng trưởng mạnh mẽ đó, đại dịch Covid-19 đã và đang tác động nặng nề tới kinh tế - xã hội toàn thế giới cũng như nước ta. Tuy nhiên, Việt Nam nổi lên là một trong những nước hàng đầu phòng chống dịch hiệu quả và nhanh chóng khôi phục sản xuất kinh doanh. Tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2020 ước đạt 240 tỷ USD. Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2020 ước tính thặng dư hơn 5.46 tỷ USD. Trong khó khăn chồng chất,  những con số này đã phản ảnh nỗ lực to lớn của các doanh nghiệp cũng như cơ quan quản lý nhà nước.

    Phát biểu khai mạc tại Diễn đàn, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng khẳng định, Diễn đàn VOIEF 2020 được tổ chức trong bối cảnh Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam - EU (EVFTA) đã chính thức được ký kết, mở ra cánh cửa mới và tạo động lực cho sự phát triển kinh tế Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp xuất khẩu nói riêng.

    Cùng với cơ hội từ EVFTA, xu hướng chuyển đổi từ kinh doanh truyền thống sang các nền tảng số đang ngày càng trở nên phổ biến và được coi là giải pháp hữu hiệu giúp các doanh nghiệp thâm nhập và mở rộng thị trường xuất khẩu trong bối cảnh Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới. Theo Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam 2020, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã triển khai thương mại điện tử nhằm hỗ trợ xuất nhập khẩu theo cả mô hình doanh nghiệp tới doanh nghiệp (B2B) cũng như doanh nghiệp tới người tiêu dùng (B2C).

    Yêu cầu cấp bách của quá trình chuyển đổi số

    Số liệu 6 tháng đầu năm đã cho thấy xuất nhập khẩu đã chịu ảnh hưởng mạnh từ dịch Covid-19. Cụ thể, tính chung 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu đạt 122,8 tỷ USD, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch nhập khẩu đạt 117,3 tỷ USD, giảm 2,9%. Trừ nhóm hàng công nghiệp chế biến tăng nhẹ 0,8%, xuất khẩu các nhóm hàng đều sụt giảm so với cùng kỳ năm trước, cụ thể, xuất khẩu nhóm hàng nông, thủy sản đạt 11,7 tỷ USD, giảm 4,6%; xuất khẩu nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản ước đạt 1,5 tỷ USD, giảm 34,5%. Nhiều mặt hàng xuất khẩu quan trọng cũng ghi nhận sụt giảm so với cùng kỳ như: hàng dệt, may đạt 13,18 tỷ USD, giảm 12,7%; giầy dép đạt 8,13 tỷ USD, giảm 6,9%.

    Tuy nhiên, nhìn theo hướng tích cực, đây cũng thực sự là thời điểm để doanh nghiệp nhận ra tính ưu việt của kinh tế số và yêu cầu cấp bách hơn nữa của quá trình chuyển đổi số. Trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch Covid-19, chuyển đổi số sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ tìm kiếm một mô hình hoạt động kinh doanh linh hoạt hơn, vừa tiết giảm chi phí, vừa tối ưu nguồn lực để vượt qua khó khăn.

    Trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương đã áp dụng ứng dụng công nghệ thông tin từ rất sớm để cải cách thủ tục hành chính nhằm thúc đẩy xuất khẩu. Quá trình chuyển đổi số hay điện tử hoá trong lĩnh vực xuất nhập khẩu đã góp phần làm giảm khối lượng công việc và hồ sơ giấy phải lưu tại cơ quan, tổ chức xử lý thủ tục hành chính. Nhờ vậy, góp phần tăng chất lượng dịch vụ công và thời gian để giải quyết các hồ sơ của các thủ tục hành chính. Lợi ích to lớn của chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất nhập khẩu là tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu tham gia vào hoạt động thương mại quốc tế, tiết kiệm thời gian, chi phí và công sức, từ đó thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam.

    Doanh nghiệp và nhà nước cùng đồng hành

    Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương đã và đang triển khai nhiều biện pháp để hỗ trợ hoạt động xuất nhập khẩu, cũng như các doanh nghiệp, đặc biệt trong giai đoạn hoạt động trao đổi thương mại gặp nhiều khó khăn như hiện nay. 

    Trước hết, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu. Bộ đã kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhiều giải pháp không chỉ để tháo gỡ khó khăn cho giao thương, xuất khẩu mà còn hướng tới duy trì hoạt động sản xuất hiệu quả. 

    Công tác chuẩn bị cho việc thực hiện EVFTA là đặc biệt quan trọng nhằm bảo đảm việc thực thi Hiệp định được hiệu quả và bảo đảm doanh nghiệp Việt Nam có thể kịp thời tận dụng được các cơ hội từ EVFTA để đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu.

    Để đáp ứng nhu cầu tìm hiểu thông tin của người dân và doanh nghiệp trên cả nước về Hiệp định EVFTA một cách thuận lợi và hiệu quả, Bộ Công Thương đã xây dựng và đưa vào vận hành chuyên trang thông tin điện tử về Hiệp định EVFTA tại địa chỉ: http://evfta.moit.gov.vn/. Đây là Cổng thông tin chính thức của Bộ Công Thương, đăng tải các thông tin tổng quan về EVFTA, cam kết chính của EVFTA trong các lĩnh vực chủ chốt như hàng hóa, dịch vụ - đầu tư…, các thông tin hữu ích cho nhà xuất khẩu, toàn bộ văn kiện Hiệp định EVFTA (tiếng Anh và bản dịch tiếng Việt). Nhiều hoạt động tuyên truyền, giới thiệu nhằm nâng cao nhận thức của doanh nghiệp và cả cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương và địa phương đã được Bộ Công Thương tổ chức trong thời gian qua nhằm đảm bảo tận dụng tối đa các cơ hội mà Hiệp định mang lại.

    Các hoạt động cụ thể đã được Bộ Công Thương triển khai nhằm ứng dụng chuyển đổi số thúc đẩy phát triển các hoạt động xuất nhập khẩu trong thời gian qua bao gồm: (1). Hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy về quản lý hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, bổ sung các quy định về quản lý hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới nhằm tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh trong thương mại điện tử: Bộ Công Thương đang tiến hành sửa đổi Nghị định 52 về Thương mại điện tử, trong đó có bổ sung nội dung về quản lý hoạt động TMĐT có yếu tố nước ngoài (2). Cải cách thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu: Trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương đã áp dụng ứng dụng công nghệ thông tin từ rất sớm để cải cách thủ tục hành chính nhằm thúc đẩy xuất khẩu. Một ví dụ điển hình là Hệ thống chứng nhận xuất xứ điện tử eCoSys của Bộ Công Thương cho phép thương nhân xuất khẩu nộp chứng từ đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá (C/O) trực tuyến. Đến nay, trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, 6 thủ tục hành chính đã thực hiện hoàn toàn dưới hình thức trực tuyến và kết nối Hệ thống Một cửa Quốc gia; 11 thủ tục hành chính được thực hiện hoàn toàn dưới hình thức trực tuyến cấp độ 4. Hệ thống đã góp phần làm giảm khối lượng công việc và hồ sơ giấy phải lưu tại cơ quan, tổ chức xử lý thủ tục hành chính. Nhờ vậy, góp phần tăng chất lượng dịch vụ công, giảm thời gian để giải quyết các hồ sơ của các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu tham gia vào hoạt động thương mại quốc tế, tiết kiêm thời gian, chi phí và công sức, từ đó thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam (3). Xây dựng Nền tảng hỗ trợ xuất khẩu Việt Nam ECVN phiên bản 2020 với nhiều tính năng tiện lợi, nổi bật là tính năng Cộng đồng doanh nghiệp Xuất nhập khẩu, giúp các doanh nghiệp dễ dàng tìm kiếm cơ hội giao thương trên môi trường trực tuyến. Hệ thống xây dựng trên nền tảng trực tuyến, cung cấp các thông tin về các cơ hội giao thương, hội chợ quốc tế, thông tin từ các thương vụ nước ngoài, xoá bỏ hàng rào về địa lý, khả năng, số lượng tiếp cận thị trường cũng như giảm đáng kể chi phí giao dịch.

    Khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, Nền tảng hỗ trợ xuất khẩu Việt Nam ECVN sẽ tận dụng cơ hội của EVFTA nhằm hỗ trợ tối đa hoạt động xúc tiến thương mại trực tuyến, kết nối giao thương doanh nghiệp khối EU và Việt Nam. Đặc biệt, chú trọng quảng bá, nâng cao thương hiệu, phát triển các chỉ dẫn địa lý đối với các sản phẩm mang thương hiệu Việt có kim ngạch xuất khẩu lớn của Việt Nam sang EU, bao gồm: dệt may, giày dép, thủy sản, cà phê, gạo, đường, gỗ và sản phẩm gỗ, các sản phẩm rau quả tươu và chế biến; điện thoại, máy móc, máy vi tính… (4). Hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp vừa và nhỏ ứng dụng công nghệ mới trong TMĐT nhằm cải tiến mô hình sản xuất, kinh doanh hỗ trợ quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp (5). Hợp tác hiệu quả với những tổ chức, doanh nghiệp TMĐT xuyên biên giới: Google, Amazon, Alibaba... từng bước giúp các doanh nghiệp Việt Nam có thể đưa được hàng hóa sản xuất nội địa ra thế giới. Cụ thể: Tháng 8/2019, Cục TMĐT và KTS đã tổ chức thành công lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Bộ Công Thương và Tập đoàn Google. Lễ ký kết đã chính thức thiết lập quan hệ chiến lược để mở rộng chương trình bệ Phóng Việt Nam Digital 4.0 – một sáng kiến của Google nhằm cung cấp các khóa đào tạo kỹ năng số cho 500.000 người lao động của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Gần một năm sau lễ ký kết, EcomViet đã tổ chức và triển khai được 420 lớp với 39.500 người học. Tháng 9/2019, Cục TMĐT và KTS phối hợp cùng Amazon Global Selling và tập đoàn T&T chính thức phát động cuộc thi “Tài năng thương mại điện tử xuyên biên giới Việt Nam 2019”. Cuộc thi nhằm mang đến một sân chơi thiết thực và chuyên nghiệp trải nghiệm thực tế về thương mại điện tử xuyên biên giới cho sinh viên. Cuộc thi đã thu hút được gần 1000 sinh viên các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn Hà Nội (6). Tổ chức hàng trăm lớp đào tạo, tập huấn về TMĐT, trong đó có một phần rất quan trọng liên quan đến hướng dẫn về xuất Nhập khẩu, các quy trình, cách thức triển khai và hệ thống pháp lý... được tổ chức nhằm giúp doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong hoạt động xuất nhập khẩu xuyên biên giới. Cụ thể: Cục TMĐT và KTS đã tổ chức hàng nghìn hội nghị, hội thảo nhằm phổ biến và nâng cao kiến thức về TMĐT cho hàng chục nghìn DN và cán bộ quản lý nhà nước tại 63 tỉnh thành trong cả nước. Đào tạo nghiệp vụ Xuất nhập khẩu và khai thác thị trường trực tuyến: tổ chức thành công 18 khoá đào tạo cho gần 400 học viên là sinh viên, người đi làm, quản lý của các DN XNK, Logistics (7). Hỗ trợ các doanh nghiệp Việt xuất hiện trên các gian hàng TMĐT uy tín trong nước, cũng như các sàn TMĐT uy tín trong khu vực, đầu tiên là sàn thương mại điện tử JD. Cùng với Nền tảng hỗ trợ xuất khẩu Việt Nam ECVN, hoạt động này sẽ giúp nâng cao thương hiệu hàng hoá Việt Nam, giúp các thương hiệu này tiếp cận với thị trường quốc tế nhanh chóng và hiệu quả. Cách thức mới này không chỉ giúp tạo ra ấn tượng về sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam với người tiêu dùng quốc tế (Đặc biệt là người tiêu dùng EU nhằm tận dụng cơ hội từ EVFTA) (8). Tổ chức các sự kiện thương mại điện tử thường niên mang tính kích cầu cho thị trường trong nước và mở rộng cho hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới (Ví dụ: Ngày mua sắm trực tuyến Online Friday, Ngày mua sắm trực tuyến ASEAN sẽ được tổ chức vào ngày 8/8/2020). Trong khuôn khổ hợp tác ASEAN, Việt Nam đã đề xuất xây dựng Chương trình Ngày mua sắm trực tuyến ASEAN và nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của các nước thành viên. Ngày mua sắm trực tuyến ASEAN (AOSD) sẽ diễn ra vào ngày kỷ niệm thành lập ASEAN, ngày 08 tháng 8 năm 2020. Đây là sự kiện mua sắm trực tuyến đầu tiên được tiến hành chung trên phạm vi toàn khu vực ASEAN. Dự kiến sẽ có khoảng gần 150 doanh nghiệp thương mại điện tử của 10 nước trong khu vực ASEAN tham gia (trong đó Việt Nam có khoảng 20 doanh nghiệp tham gia). Các doanh nghiệp này sẽ cung cấp một lượng lớn hàng hóa và dịch vụ với mức giá khuyến mại hoặc chiết khấu trong ngày duy nhất 08/8/2020. Chương trình Ngày mua sắm trực tuyến ASEAN sẽ là hoạt động thường niên (giai đoạn 2020-2025) diễn ra cùng lúc tại 10 nước thành viên. Đối với năm 2020, Chương trình dự kiến sẽ diễn ra vào ngày thành lập ASEAN (ngày 08 tháng 8 năm 2020). AOSD sẽ được tổ chức vào ngày 08 tháng 8 hàng năm như một dịp để thúc đẩy thương mại số toàn khu vực và tăng cường sự hợp tác mạnh mẽ giữa các bên liên quan, bao gồm các cơ quan chính phủ, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Chương trình cũng nhằm đẩy mạnh và xây dựng các sáng kiến, ​​chính sách phù hợp và công nghệ đổi mới nhằm thúc đẩy hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới trong khu vực. Chương trình AOSD cũng là một trong những hoạt động tích cực góp phần việc thực thi Hiệp định ASEAN về thương mại điện tử (9). Triển khai Hệ thống theo dõi và gắn mã truy xuất nguồn gốc xuất xứ hàng hoá thúc đẩy minh bạch hoá xuất xứ hàng hoá sản phẩm Việt, nâng cao thương hiệu cũng như hạn chế vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.

    Xuất khẩu 6 tháng cuối năm có thể hy vọng từ việc thực thi Hiệp định EVFTA, đây là cơ hội lớn để Việt Nam tiếp cận thị trường nhập khẩu lớn thứ 2 thế giới với dân số hơn 508 triệu người, GDP khoảng 18,000 tỷ USD. Nếu dịch bệnh được kiểm soát tại châu Âu, Hiệp định EVFTA được đưa vào thực thi, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có lợi thế rất lớn từ việc giảm/xóa bỏ hàng rào thuế quan vào thị trường EU để khai thác thị trường này. Ngoài ra, các doanh nghiệp còn có thể đẩy mạnh chuyển đổi số nhằm tham gia các chuỗi cung ứng mới thay thế cho các chuỗi cung ứng truyền thống vốn đang bị đứt đoạn hoặc đình trệ do dịch Covid-19, đồng thời mở rộng và đa dạng hóa hơn thị trường xuất nhập khẩu, giảm sự lệ thuộc vào một nhóm thị trường nhất định. Vai trò chính trong chuyển đổi số đối với việc tận dụng cơ hội mà EVFTA mang lại chính là việc cung cấp cho các doanh nghiệp Việt Nam một nền tảng số để có thể tiếp cận thị trường EU một cách hiệu quả hơn so với các hình thức trước đây.

    Cơ hội là ngang nhau nhưng thành công là khác biệt

    Với sự tiến bộ vượt bậc của CNTT, mọi doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, có thể tiếp cận trực tiếp tới người tiêu dùng nước ngoài. Hơn nữa, nhờ công nghệ dữ liệu lớn, họ có thể dễ dàng phân tích chính xác hành vi của người tiêu dùng ở mọi thị trường, chăm sóc khách hàng, tiếp thị đúng đối tượng với chi phí thấp… Cơ hội là ngang nhau nhưng thành công là khác biệt giữa các quốc gia và các doanh nghiệp trong từng quốc gia. Câu chuyện thành công khi xuất khẩu trực tuyến (B2B) trên nền tảng Alibaba hay bán lẻ trực tuyến qua biên giới (B2C) trên nền tảng Amazon là bài học chung cho các doanh nghiệp Việt Nam.

    Thực tế cho thấy có doanh nghiệp thành công và coi các nền tảng hỗ trợ xuất khẩu là kênh quan trọng, trong khi nhiều doanh nghiệp khác chưa thấy hiệu quả. Tại diễn đàn, các diễn giả đã dành 2 phiên để trao đổi đâu là những yếu tố quyết định thành công hay thất bại khi xuất khẩu trực tuyến. Những kinh nghiệm quý báu của các diễn giả tại diễn đàn đã đem đến nhiều giá trị thiết thực cho các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức quan tâm tới lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng hoá.

    Phiên đầu tiên của Diễn đàn có chủ đề “Chuyển đổi số với thương mại điện tử qua biên giới” thảo luận về sự liên quan chặt chẽ giữa chuyển đổi số tới XNK hàng hoá, lợi ích từ việc tham gia các nền tảng xuất khẩu trực tuyến, hiệu quả của việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến, vai trò của website của doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh xuất khẩu.

    Nội dung toạ đàm của Phiên 1 tập trung vào ba chủ đề: 1) Vai trò của chuyển đổi số đối với hoạt động xuất khẩu trực tuyến. Vai trò định hướng của các cơ quan quản lý nhà nước, sự hỗ trợ của các đơn vị thực thi, những khó khăn khi chuyển đổi số tại các doanh nghiệp; 2) Tính cấp bách của chuyển đổi số của các doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp Việt Nam ở châu Âu để nắm bắt ngay cơ hội của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA); 3) Ứng dụng CNTT để cung cấp trực tuyến C/O nói chung và C/O mẫu EUR.1 theo Thông tư số 11/2020/TT/BCT quy định quy tắc xuất xứ hàng hoá trong EVFTA.

    Phiên hai với chủ đề “Giải pháp chuyển đổi số” đi sâu vào chủ đề làm sao để chuyển đổi số thành công. Chuyển đổi số không chỉ dừng ở các doanh nghiệp XNK mà phải diễn ra đồng thời ở nhiều cơ quan, tổ chức cung cấp các dịch vụ liên quan. Phiên này nhấn mạnh trong giai đoạn đầu của chuyển đổi số cần phải chú ý gì tới ba yếu tố cơ bản là nền tảng số, dữ liệu số và website tương thích với thiết bị di động. Đại diện của hai nền tảng số hàng đầu thế giới là Facebook và Google đã cung cấp thông tin về tiềm năng khai thác các nền tảng này cho kinh doanh XNK.

    Hoạt động XNK còn liên quan tới nhiều vấn đề khác gắn chặt với ứng dụng CNTT và truyền thông, với thu thập và xử lý dữ liệu sản phẩm. Chẳng hạn như vấn đề truy xuất nguồn gốc hàng hoá xuất khẩu. Nông sản và thuỷ sản chiếm tỷ trọng cao trong kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Hơn nữa, hai nhóm sản phẩm này liên quan tới sinh kế của hàng chục triệu nông dân và ngư dân. Một số doanh nghiệp Việt Nam đã ứng dụng công nghệ blockchain (hay dữ liệu số ở dạng chuỗi khối) trong truy xuất nguồn gốc nông sản. Ở phạm vi rộng hơn, Diễn đàn thảo luận chuyển đổi số trên phạm vi rộng lớn bao gồm ứng dụng CNTT và truyền thông trong truy xuất nguồn gốc nông sản và thuỷ sản.

    Các diễn giả của Phiên hai thảo luận sâu vào các chủ đề: 1) Giải pháp giúp các doanh nghiệp liên quan tới xuất nhập khẩu chuyển đổi số như thế nào? Các nền tảng công nghệ hàng đầu thế giới quan tâm ra sao tới lĩnh vực này? Những đơn vị trong nước đã triển khai những giải pháp nào hỗ trợ doanh nghiệp dễ dàng hơn trong thương mại điện tử qua biên giới? 2) Một số chính sách và pháp luật nổi bật cũng như tính khả thi liên quan tới chuyển đổi số trong lĩnh vực XNK, bao gồm dự thảo Nghị định về quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được giao dịch qua thương mại điện tử.

    Tại Diễn đàn, Bộ Công Thương cũng đã khai trương Nền tảng hỗ trợ xuất khẩu Việt Nam ECVN tại địa chỉ: www.ECVN.com. Nền tảng hỗ trợ xuất khẩu Việt Nam ECVN phiên bản 2020 với nhiều tính năng tiện lợi, nổi bật là tính năng Cộng đồng doanh nghiệp Xuất nhập khẩu, giúp các doanh nghiệp dễ dàng tìm kiếm cơ hội giao thương trên môi trường trực tuyến.

    Khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, Nền tảng hỗ trợ xuất khẩu Việt Nam ECVN sẽ tận dụng cơ hội của EVFTA nhằm hỗ trợ tối đa hoạt động xúc tiến thương mại trực tuyến, kết nối giao thương doanh nghiệp khối EU và Việt Nam. Đặc biệt, chú trọng quảng bá, nâng cao thương hiệu, phát triển các chỉ dẫn địa lý đối với các sản phẩm mang thương hiệu Việt có kim ngạch xuất khẩu lớn cũng như lợi thế của Việt Nam sang EU, bao gồm: dệt may, giày dép, thủy sản, cà phê, gạo, đường, gỗ và sản phẩm gỗ, các sản phẩm rau quả tươi và chế biến; điện thoại, máy móc, máy vi tính…


    Nguồn: Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số
Tin mới
Tin tức
TRA CỨU
WEBSITE THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ ĐÃ ĐĂNG KÝ/THÔNG BÁO VỚI BỘ CÔNG THƯƠNG
LIÊN KẾT