• Thương mại điện tử năm 2022: “Cuộc chiến” giành click khách hàng
    14/04/2022
    Các chuyên gia dự báo, thương mại điện tử sẽ tiếp tục phát triển mạnh trong năm 2022 và tạo xung lực mới cho tăng trưởng của nền kinh tế.

    Dưới “sức ép” của COVID-19 đã đưa thương mại điện tử tăng trưởng mạnh mẽ, trở thành kênh mua sắm quen thuộc hơn và "cứu" doanh thu cho nhiều đơn vị.

    Ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đánh giá, Covid-19 là chất xúc tác giúp TMĐT phát triển nhanh, mạnh hơn. Hiếm nước nào trong khu vực ASEAN có TMĐT tăng trưởng 2 con số trong đại dịch.

    Tăng trưởng 2 con số trong đại dịch

    Nếu như năm 2020 là năm người tiêu dùng "làm quen" với giãn cách xã hội, mua sắm trực tuyến và thanh toán không tiếp xúc, thì năm 2021 là thời điểm chín muồi để TMĐT bùng nổ, người dùng ngày càng ưa chuộng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, với số lượng đơn hàng thanh toán qua ví điện tử tăng gấp 10 lần. Số liệu của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) cho biết, đến nay hơn một nửa dân số Việt Nam đã tham gia mua sắm trực tuyến.

    Nhận định về thị trường TMĐT, ông Nguyễn Ngọc Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cho biết, đại dịch làm tiến độ phát triển ứng dụng cho TMĐT từ người bán đến người mua rút ngắn lại 1-2 năm so với kế hoạch đến năm 2025. Tốc độ tăng trưởng của TMĐT trong các năm gần đây khoảng 30 - 35%/năm và thời gian tới sau đại dịch sẽ là một bức tranh hoàn toàn thay đổi. 

    Bức tranh mới thay đổi đến từ cả người mua hàng, nhà kinh doanh lẫn các nền tảng bán lẻ trực tuyến. Báo cáo "e-Conomy SEA 2021" chỉ ra rằng, Việt Nam có đến 8 triệu người tiêu dùng kỹ thuật số mới từ khi đại dịch bắt đầu, trong đó 55% đến từ các khu vực không thuộc cấp thành thị.

    Mức độ duy trì cao khi tiêu dùng kỹ thuật số đã trở thành một lối sống khi có đến 97% người tiêu dùng mới vẫn đang sử dụng dịch vụ và 99% có ý định tiếp tục sử dụng trong tương lai. Trong khi đó, 30% nhà bán hàng kỹ thuật số tin rằng họ không thể vượt qua đại dịch nếu không có các nền tảng kỹ thuật số. Chính vì vậy, cuộc chiến trên sàn TMĐT trong năm 2022 sẽ là cuộc chiến giành click của khách hàng.

    Còn nhớ, giữa tháng 5/2021, khi những đồi vải thiều ở Lục Ngạn (Bắc Giang) đến độ thu hoạch, nhưng thương lái Trung Quốc sang thu mua rất nhỏ giọt do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Điều này khiến người nông dân rất lo lắng, sợ vải không có đầu ra. 

    Các bộ ngành, địa phương, sau đó đã kết nối với các sàn thương mại điện tử như Sendo, Voso, Tiki, Lazada, Shopee, Postmart và ngay lập tức các sàn đã đồng loạt mở bán, phân phối vải thiều trên thương mại điện tử. 

    Việc vải thiều lên "sàn" đã mở ra hướng đi mới trong việc tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân, đồng thời cũng thay đổi thói quen tiêu thụ vải của bà con nông dân và thương lái.

    Nếu như mọi năm, việc quản lý của các nhà vườn chủ yếu ghi chép và dựa trên sổ sách, thì năm nay, vải được quản lý bằng bằng mã vạch và tem truy xuất nguồn gốc vì được bán trên các sàn thương mại điện tử.

    Cũng nhờ đa dạng các kênh bán hàng, trong đó có kênh online, tỉnh Bắc Giang đã tiêu thụ hết 215.000 tấn vải thiều (tăng 50.000 tấn so với kế hoạch, trong đó xuất khẩu 89.300 tấn, còn lại tiêu thụ nội địa) và thu về 6.821 tỉ đồng.

    Theo báo cáo của hằng năm của "SYNC Southeast Asia" (SYNC Đông Nam Á) của Facebook và Công ty tư vấn Bain & Company (Mỹ), Việt Nam được dự báo sẽ là thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á vào năm 2026, với tổng giá trị hàng hóa thương mại điện tử đạt 56 tỉ USD, gấp 4,5 lần giá trị ước tính vào năm 2021.

    Báo cáo cũng cho biết, Việt Nam đang đi đầu trong việc thúc đẩy các thay đổi và nắm bắt cơ hội phát triển dựa trên sự chuyển đổi kỹ thuật số trong thời kỳ hậu đại dịch COVID-19.

    "Thương mại điện tử thực sự đã chuyển mình từ một kênh phụ trở thành một phần cốt lõi trong chiến lược tăng trưởng của thương hiệu và nhà bán hàng", ông James Dong, Giám đốc Điều hành Lazada Việt Nam nói.

    3 xu hướng trong năm 2022

    Dự báo về thị trường thương mại điện tử Việt Nam 2022, nhóm chuyên gia của Cổng thông tin thương mại điện tử iPrice cho hay: "Khó có thể nói trước liệu tính bền vững, tính thân thiện với môi trường có trở thành xu hướng chính của năm 2022 hay không?, nhưng chắc chắn nó có tầm quan trọng trong thương mại điện tử trong tương lai".

    Trong đó, nhóm chuyên gia của iPrice chỉ ra 3 xu hướng. Thứ nhất, là cá nhân hóa trải nghiệm người mua hàng. Người tiêu dùng đang cần doanh nghiệp thương mại điện tử trợ giúp tìm sản phẩm họ cần, gợi ý phiếu giảm giá, tinh gọn chuỗi cung ứng để rút ngắn thời gian giao hàng, chất lượng sản phẩm chuẩn.

    Theo Accenture, 91% người tiêu dùng có nhiều khả năng mua hàng từ nhãn mà họ nhận diện, ghi nhớ, nơi cung cấp các mặt hàng liên quan và sản phẩm gợi ý phù hợp. Do đó, bên cạnh giữ chân khách hàng thông qua hình thức mua sắm kết hợp giải trí (shoppertainment), làm hài lòng khách hàng thông qua việc cá nhân hoá trải nghiệm mua sắm một cách nhất quán có thể là xu hướng trong năm sau.

    Thứ hai, là sự lên ngôi của thanh toán không tiền mặt. Theo Báo cáo của Facebook và Bain & Company, lần đầu tiên tỷ lệ thanh toán tiền mặt (COD) sụt giảm đáng kể từ 60% (năm 2020) xuống còn 42% (năm 2021). Sức hút mạnh mẽ từ các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt phản ánh qua mức tăng sử dụng ví điện tử lên đến 82% và tăng chuyển khoản ngân hàng lên tới 18%.

    Thứ ba, là xu hướng tiêu dùng thân thiện với môi trường. Người tiêu dùng ngày nay ý thức rõ ràng sản phẩm không chỉ cần có chất lượng tốt mà còn phải an toàn cho sức khỏe và không ảnh hưởng đến môi trường sống.

    Tính bền vững đã đóng góp một vai trò to lớn và nó cũng đã xâm nhập vào ngành thương mại điện tử. Thêm vào đó, việc đóng gói để vận chuyển vô hình chung tạo ra một lượng chất thải nhiều hơn. Người tiêu dùng quan tâm hơn đến các sản phẩm có quy trình sản xuất, đóng gói và giao hàng mang tính bền vững.

    Theo báo cáo từ Facebook, ESG (Các yếu tố Môi trường, Xã hội và Quản trị) nằm trong top 3 nguyên nhân khiến người tiêu dùng thay đổi lựa chọn thương hiệu. Tại Việt Nam, 97% người tiêu dùng sẵn sàng trả thêm tiền cho giá trị này, và 86% chia sẻ mức chi thêm cụ thể trên sản phẩm, dịch vụ là 10%.


    Nguồn: Tổng hợp
Tin mới
  • An toàn, bảo mật thông tin trong quá trình chuyển đổi số ngành Công Thương
    28/12/2024
    Trong khuôn khổ Hội thảo "Đẩy mạnh chuyển đổi số trong một số lĩnh vực thuộc phạm vi của ngành Công Thương phục vụ công tác quản lý nhà nước" diễn ra ngày 26-27 tháng 12 tại Hà Nội, vấn đề an toàn, bảo mật thông tin trong quá trình chuyển đổi số được nhấn mạnh là một trong những yếu tố quan trọng nhằm đảm bảo sự thành công và bền vững của công cuộc số hóa.
  • Phát triển hạ tầng số cho ngành Công Thương: Cơ hội và Thách thức
    27/12/2024
    Trong khuôn khổ Hội thảo "Đẩy mạnh chuyển đổi số trong một số lĩnh vực thuộc phạm vi của ngành Công Thương phục vụ công tác quản lý nhà nước", vấn đề phát triển hạ tầng số cho ngành Công Thương được đánh giá là một trong những yếu tố then chốt, tạo nền tảng vững chắc cho quá trình chuyển đổi số. Đây không chỉ là yêu cầu cấp thiết để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước mà còn là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
  • Chuyển đổi số trong quản lý chuỗi cung ứng và logistic ngành Công Thương
    24/12/2024
    Trong khuôn khổ Hội thảo "Đẩy mạnh chuyển đổi số trong một số lĩnh vực thuộc phạm vi của ngành Công Thương phục vụ công tác quản lý nhà nước", các chuyên gia và đại diện cơ quan quản lý đã thảo luận về vấn đề chuyển đổi số trong quản lý chuỗi cung ứng và logistics. Đây là một trong những nội dung trọng tâm nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, tăng cường tính minh bạch và cải thiện năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.
  • Các chính sách và định hướng chuyển đổi số trong ngành Công Thương
    23/12/2024
    Sắp tới, trong khuôn khổ Hội thảo "Đẩy mạnh chuyển đổi số trong một số lĩnh vực thuộc phạm vi của ngành Công Thương phục vụ công tác quản lý nhà nước", các chuyên gia và đại diện cơ quan quản lý sẽ cùng thảo luận về các chính sách và định hướng chiến lược nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành Công Thương. Đây là một nội dung quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình số hóa hoạt động sản xuất - kinh doanh.
  • Rủi ro pháp lý đối với hợp đồng điện tử không an toàn: Kỳ 2 - Ký lùi ngày khi không có dấu thời gian
    09/10/2024
    Để tiếp nối nội dung về rủi ro chữ ký số giả mạo trong kỳ trước, bài viết lần này sẽ khai thác một vấn đề khác đầy thách thức trong việc đảm bảo tính pháp lý của hợp đồng điện tử: hành vi ký lùi ngày khi không có dấu thời gian. Dù có vẻ đơn giản, nhưng hành vi này tiềm ẩn nhiều hệ lụy pháp lý nghiêm trọng, đặc biệt trong bối cảnh hợp đồng điện tử ngày càng trở thành công cụ giao dịch quan trọng và phổ biến trên thị trường hiện nay.
Tin tức
TRA CỨU
WEBSITE THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ ĐÃ ĐĂNG KÝ/THÔNG BÁO VỚI BỘ CÔNG THƯƠNG
LIÊN KẾT