• Đông Nam Á: Amazon đang mất thị phần về tay Lazada?
    22/10/2013
    Theo một số liệu mới công bố gần đây của hãng nghiên cứu dữ liệu uy tín comScore, danh sách 5 nhà bán lẻ trực tuyến hàng đầu (dựa trên cơ sở lượng truy cập) tại 6 quốc gia trong khu vực Đông Nam Á (SEA) rất đáng để chúng ta lưu tâm. Các quốc gia trong diện công bố bao gồm: Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Philippines, Singapore và Việt Nam.

    Trong danh sách này, 2 tên tuổi trong lĩnh vực bán lẻ trực tuyến (B2C) trên thế giới và tại khu vực được nêu đích danh là Amazon và Lazada. Nếu tinh ý bạn sẽ nhận ra điểm thú vị: Amazon có tên trong top 5 tại 4 quốc gia là Indonesia, Malaysia, Philippines và Singapore; đồng thời Lazada cũng đường hoàng nằm trong top 5 tại 4 quốc gia là Việt Nam, Indonesia, Thái Lan và Philippines.


    Theo thống kê này, những nhà bán lẻ trực tuyến nội địa đang chiếm thị phần ưu thế tại Việt Nam.

    Bên cạnh đó, hệ thống các website thương mại điện tử thuộc tập đoàn Alibaba cũng được đánh giá rất cao tại các quốc gia có cộng đồng người Hoa sinh sống đông đúc là Singapore và Malaysia.

    Lazada có bước tăng trưởng ngoạn mục tại Đông Nam Á
    Nếu ai đó chịu khó theo dõi tin thức thì có thể tính toán ngay ra liệu khoản đầu tư mà quỹ Rocket Internet đã ném vào khu vực SEA có tương xứng với kết quả thu lại hay không? Nhưng cảm nhận ban đầu khi nhìn vào số liệu thống kê của comScore là Lazada đã đầu tư rất đúng hướng và thu được những bước tăng trưởng ngoạn mục trong giai đoạn từ tháng 9 năm 2012 đến tháng 3 năm 2013. Mặc dù Lazada mới xâm nhập vào thị trường kể từ đầu năm 2012.

    Trong số 5 nước của khu vực Đông Nam Á, Lazada đã thu được lượng truy cập cao nhất từ chính Việt Nam, tiếp theo sau thứ tự là Indonesia, Thái Lan, Philippines và Malaysia. Tại Indonesia, Lazada đã thu hút được gần gấp đôi lượng truy cập chỉ trong vòng 6 tháng ngắn ngủi.


    Lazada tại Malaysia đã có khoảng 490.000 người truy cập duy nhất (unique visitor) trong tháng 3 năm 2013.

    Lazada tăng trưởng mạnh, đồng nghĩa Amazon mất thị phần?
    Trái ngược hoàn toàn với Lazada, Amazon không có bất kỳ sự hiện diện hay hoạt động kinh doanh tập trung nào tại các quốc gia trong khu vực SEA. Chính vì vậy, sẽ thật là khập khiễng nếu đem so sánh giữa Amazon và Lazada. Nhưng dù sao Amazon cũng là “tượng đài” B2C ở trên thế giới nên việc so sánh là không thể tránh khỏi.

    Quay trở lại với câu hỏi: “Amazon bị mất thị phần tại khu vực SEA?”. Câu trả lời mà bạn có ngay từ thống kê của comScore: “Đúng như vậy!”. Ngay như tại Malaysia - quốc gia đóng góp lớn nhất vào lượng truy cập của Amazon tại SEA - nhưng đồng thời cũng là quốc gia có sự suy giảm lượng truy cập đáng tiếc với Amazon - âm 28% trong vòng 1 năm.

    Bạn hãy bình tĩnh! comScore chỉ là 1 góc nhìn. Thương hiệu của 2 đối thủ này trên công cụ tìm kiếm Google thì sao?
    Để khảo sát và đưa ra kết luận công bằng hơn, chúng ta hãy thử làm một bài test về độ phủ của 2 thương hiệu Lazada và Amazon trên công cụ tìm kiếm Google thông qua dịch vụ Google Trends. Dịch vụ này sẽ cho bạn biết mức độ quan tâm của người dùng đối với 2 thương hiệu kể trên.

    Loạt hình dưới đây minh họa cho bạn thấy xu thế tìm kiếm từ khóa có liên quan đến Amazon và Lazada  tại các quốc gia là Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Philippines và Singapore trong khoảng thời gian từ tháng 1 năm 2012 đến tháng 10 năm 2013 - thời điểm của bài viết này.


    Click để xem xu hướng tìm kiếm tại Việt Nam.


    Click để xem xu hướng tìm kiếm tại Indonesia.


    Click để xem xu hướng tìm kiếm tại Malaysia.


    Click để xem xu hướng tìm kiếm tại Philippines.


    Lazada không có cửa so với Amazon tại Singapore!

    Tựu trung lại, xu thế tìm kiếm Lazada dần dần tiệm cận với Amazon thậm chí là có lúc còn nhỉnh hơn Amazon, ngoại trừ lãnh địa bất khả xâm phạm của Amazon tại khu vực SEA chính là Singapore. Tại Việt Nam, Lazada vẫn còn nhiều việc phải làm để có thể bắt kịp được thương hiệu Amazon trong tiềm thức của người dùng Internet.

    Như vậy có thể thấy những số liệu thống kê của comScore hoàn toàn có cơ sở và phản ánh đúng thực tế của 2 thương hiệu này tại khu vực SEA.

    Liệu Amazon có động thái gì đối phó với thực trạng này không? Thị trường thương mại điện tử tại SEA có đủ sức hấp dẫn Amazon?
    Như bạn đã biết, gần đây Amazon cho công bố chính sách miễn phí vận chuyển cho những đơn hàng đến từ Singapore có giá trị từ 125 USD trở lên (AmazonGlobal Saver Shipping). Liệu Amazon có hành động đáp trả Lazada bằng một động thái tương tự đối với các quốc gia còn lại trong khu vực SEA? Câu trả lời theo cá nhân tôi là rất khó! Vì vấn đề ở đây đơn giản là các quốc gia khác tại Đông Nam Á chưa có được điều kiện nhập khẩu thân thiện và rộng mở như ở Singapore.

    Ngay kể cả nếu Amazon có muốn làm vậy, việc vận chuyển hàng hóa của Amazon tại khu vực gặp không ít trở ngại và không tối ưu đặc biệt là trong trải nghiệm mua sắm của khách hàng. Theo ông Maximilian Bittner - CEO của Lazada - không phải khách hàng nào cũng đủ kiên nhẫn để sẵn sàng chờ đợi 1 đơn hàng mà việc vận chuyển nó kéo dài từ 7 đến 14 ngày. Chưa kể Amazon còn phải đối diện với thách thức rất lớn với vấn đề đổi trả hàng của người tiêu dùng khi không thỏa mãn với hàng hóa nhận được.

    Bittner còn đưa ra một đánh giá khác: ngay bản thân Lazada cũng không coi Amazon hay bất kỳ nhà bán lẻ trực tuyến nội địa nào tại khu vực là đối thủ thực sự. Đối thủ thực sự của Lazada cũng những nhà bán lẻ trực tuyến khác lại chính là những nhà bán lẻ truyền thống tại đây. Bán lẻ truyền thống trong khu vực SEA vẫn chiếm một thị phần tuyệt đối: 99%!

     

    Con số 99% được Bittner lấy từ khảo sát năm 2011 của Euromonitor: thị phần bán lẻ trực tuyến tại các quốc gia trong khu vực SEA so với tổng mức bán lẻ của thị trường đều nhỏ hơn 1%, ngoại trừ Singapore. Cũng theo dự báo của Euromonitor, đến năm 2016 mới có Malaysia vượt được ngưỡng 1% về thị phần bán lẻ trực tuyến.

    Vậy câu hỏi đặt ra là động thái của Amazon là gì? Amazon có quan tâm tới toàn bộ thị trường Đông Nam Á và phát triển hoạt động kinh doanh tại đây hay không? Nếu bạn theo dõi những bước tiến của Amazon khi tiếp cận thị trường toàn cầu thì bạn sẽ thấy Amazon thường đặt mối quan tâm tới những nước phát triển và có dân số lớn.

    Nhiều người còn đặt ra giả thuyết, Amazon còn có thể có bước đi táo bạo hơn bằng cách mua lại Lazada (đây cũng có lẽ cũng là mong muốn của Lazada)? Chỉ có thời gian mới có câu trả lời chính xác.

    Lazada cũng không phải là thuận lợi hoàn toàn, sau 1 năm thành công vang dội về mặt thương hiệu, giờ họ cũng phải đối mặt với những vấn đề hóc búa giống Amazon ở thời kỳ đầu phát triển: mâu thuẫn nảy sinh giữa những vấn đề như chiến lược bán giá thấp, lợi nhuận, lợi nhuận biên.... Trong khi Amazon của ngày nay đã chuyển hướng chiến lược đầu tư sang những lĩnh vực màu mỡ hơn như dịch vụ điện toán đám mây đình đám: Amazon Web Services - AWS.


    AWS - Con át chủ bài của Amazon!


    Nguồn: Hương Phạm⁄E-CommerceMilo
Tin mới
Tin tức
TRA CỨU
WEBSITE THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ ĐÃ ĐĂNG KÝ/THÔNG BÁO VỚI BỘ CÔNG THƯƠNG
LIÊN KẾT