• 9 yếu tố thiết yếu trong việc chọn tên miền
    10/10/2013
    Theo dữ liệu từ trang web WhoIsHostingThis.com, mỗi ngày có tới 84.000 tên miền mới được đăng ký. Đối với doanh nghiệp nhỏ, việc tạo ra một tên miền dễ nhớ mà vẫn bảo vệ nhãn hiệu và thương hiệu của doanh nghiệp trở nên ngày càng khó khăn hơn.

    Tên miền còn được xem là thương hiệu cho website. Tên miền là một dạng tài nguyên số quan trọng bậc nhất trên mạng Internet. Việc nhận thức đúng tầm quan trọng của tên miền sẽ cho phép khai thác tận gốc những giá trị cốt lõi mà tên miền đem lại trong việc phát triển thương hiệu trực tuyến. Trước bối cảnh hội nhập kinh tế đang diễn ra sâu rộng như hiện nay, đặc biệt là trong môi trường số hóa, việc phát triển thương hiệu là điều kiện trước hết của các doanh nghiệp Việt Nam. Để đạt điều đó, mỗi một tổ chức, doanh nghiệp phải duy trì và gìn giữ được tên miền của mình để gia tăng uy tín của thương hiệu.

    Dưới đây là những mẹo mà tôi muốn chia sẻ với bạn để tạo một tên miền vừa ngắn, vừa phù hợp, và dễ nhớ.

    1. Sử dụng tên miền như một công cụ quảng bá nhãn hiệu:
    Có một thực tế hiện nay ở Việt Nam, các doanh nghiệp mới chỉ coi tên miền như 1 cái tên đơn thuần, hoặc việc sở hữu tên miền chỉ là “mốt”, chứ chưa thực sự đặt tầm quan trọng của tên miền như là một thương hiệu hay hình ảnh của doanh nghiệp trên môi trường Internet. Từ nhận thức như vậy, dẫn đến việc đầu tư cho môi trường trực tuyến của doanh nghiệp không được đúng tầm và có thể khai thác được tối đa lợi ích mà tên miền cũng như thương hiệu trực tuyến mang lại.

    Theo Nielsen, một công ty có tiếng về nghiên cứu xu hướng và thói quen của khách hàng trên hơn 100 quốc gia, website có thương hiệu đóng vai trò là nguồn quảng cáo đáng tin cậy thứ 3 cho doanh nghiệp. Chính vì tầm quan trọng của tên miền như vậy, nên trước khi nói đến các yếu tố tiếp theo, bạn cần nhớ giúp tôi đặt đúng vị trí và vai trò của tên miền, nhất là coi tên miền như một công cụ quảng bá mang lại hiệu quả cao và đáng tin cậy.

    2. Ngắn gọn, thú vị và dễ nhớ:
    Trước khi quyết định chọn tên miền cho website, bạn cần đặt một vài câu hỏi – Đối với đa số khách hàng, tên đó có dễ đọc và dễ phát âm không; Liệu họ có gõ chính xác sau khi nghe qua cái tên đó… Trên thực tế, chỉ có 5-7% tên miền gây được ấn tượng với người dùng Internet. Ngoài ra, do đặc thù bàn phím gõ tiếng Việt, bạn nên thử gõ các tên miền xem có bị lỗi về dấu hay không?

    Tuy nhiên, chọn được tên miền có giá trị là khó khăn lớn cho doanh nghiệp, vì không chỉ có bạn, mà còn rất nhiều chủ doanh nghiệp khác cũng muốn sở hữu những tên miền như vậy. Điều này vô hình trung đã tạo nên thị trường khốc liệt cho tên miền.

    3. Cân nhắc kĩ trước khi chọn phần mở rộng:
    Năm 2012, có tới hơn 250 triệu tên miền được đăng ký với đuôi .com, .net, .org, .info, .co…, trong đó đuôi .com dẫn đầu với 102 triệu tên miền, chiếm 48%. Đuôi .com rất phổ biến vì đa số khách hàng nhớ tên website sẽ giả định bạn sử dụng đuôi đó đầu tiên trước khi thử lắp các đuôi khác.

    Trên thực tế, bạn không nhất thiết chỉ có sự lựa chọn duy nhất là đuôi .com. Nếu doanh nghiệp của bạn thiên hướng nhắm tới thị trường Việt Nam thì bạn có thể chọn tên miền Việt Nam cấp 2.VN có dạng: “tencongty.vn” hoặc tên miền Việt Nam cấp 3.VN có dạng “tencongty.com.vn”, hoặc .net.vn.... Đây cũng là một trong các đuôi khá phổ biến tại Việt Nam.

    4. Hãy chú ý bảo vệ thương hiệu cho doanh nghiệp:
    Ngoài việc chú tâm vào marketing thương hiệu cho doanh nghiệp, bạn cần đề phòng người khác cũng đăng ký một tên miền tương tự nhưng với đuôi khác với mục đích đánh cắp lượng truy cập (traffic).

    Theo tổ chức Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ thế giới, năm 2012 đã chứng kiến số lượng kỷ lục vụ việc tranh chấp và chiếm dụng tên miền lên tới 2884 vụ việc, tăng 4,5% so với năm 2011.

    5. Tự tạo thương hiệu:
    Nghĩ ra một tên miền lạ, độc đáo cũng là một cách riêng để gây dựng thương hiệu. Có thể là tên riêng của bạn, tên người thân,.... Nếu bạn đã có kế hoạch, định hướng kinh doanh thì hãy mua tên miền ngay khi có thể. Thậm chí bạn còn có thể hoàn toàn nghĩ ra những loại tên miền 'lạ đời' mà không liên quan gì tới lĩnh vực kinh doanh của bạn. Những tên miền tại Việt Nam như Rongbay.com hay Enbac.com là ví dụ cho kiểu lựa chọn tên miền dạng này.

    6. “Sáng tạo”:
    Những tên miền ngắn và cấu tạo từ 1 từ đơn hiện nay đã bị đăng ký gần hết, cơ hội để bạn đăng ký những tên miền kiểu này là rất khó. Chính vì vậy bạn nên tìm những cách khác để sáng tạo hoặc tổ hợp ra những tên miền mới. Bạn có thể thử nhiều cách để tìm ra tên miền phù hợp với lĩnh vực kinh doanh như ghép hai cụm từ; tạo ra một tên thương hiệu lạ, đặc biệt…

    Ngoài ra, nếu bạn đặt tên miền bằng tiếng Anh thì bạn cũng có thể tham khảo một vài công cụ tạo tên miền tự động như Domainr, DomainTyper hay Namestation. Những địa chỉ này sẽ gợi ý cho bạn một loạt các tên miền dựa trên những từ khóa mà bạn nhập vào.

    7. Tránh đưa gạch nối vào tên miền:
    Tên miền có gạch nối hoàn toàn không đem lại giá trị thương hiệu, và giá trị tối ưu hóa công cụ tìm kiếm SEO. Tên miền có gạch nối rất khó phát âm, đọc lại cho người khác nghe cho dù là tiếng Anh hay tiếng Việt, nó làm giảm hiệu quả truyền thông, quảng bá cả online lẫn offline.

    8. Quảng cáo qua các phương tiện truyền thông:
    Hãy thống nhất tên doanh nghiệp, tên miền khi quảng cáo trên các môi trường trực tuyến như mạng xã hội (Facebook, Yahoo,..), báo điện tử…

    Bên cạnh đó, bạn có thể sử dụng website Knowem.com để kiểm tra việc tồn tại thương hiệu của bạn trên các môi trường trực tuyến khác nhau, rất có ích cho việc phát triển thương hiệu của bạn.

    9. Đừng bao giờ để tên miền hết hạn:
    Khi mua tên miền, hãy ghi chú lên lịch làm việc ngày tên miền hết hạn, hoặc cài đặt chế độ nhắc nhở trong điện thoại một vài ngày trước ngày tên miền hết hạn.

    Tuy chỉ là một cái tên đơn giản, nhưng tên miền lại là một yếu tố thương hiệu, là cửa ngõ gần như duy nhất để khách hàng có thể truy cập vào website của bạn. Chính vì vậy, bạn đừng đánh giá thấp vai trò của tên miền. Để chuẩn bị cho kế hoạch kinh doanh trực tuyến của mình, trước nhất bạn hãy nghĩ một cái tên và đăng ký nó. Ngoài 9 lời khuyên kể trên, chúng tôi còn rất nhiều những vấn đề khác muốn chia sẻ với bạn về chủ đề tên miền, hẹn gặp bạn trong những bài viết sau!


    Nguồn: Minh Đặng⁄Entrepreneur
Tin mới
Tin tức
TRA CỨU
WEBSITE THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ ĐÃ ĐĂNG KÝ/THÔNG BÁO VỚI BỘ CÔNG THƯƠNG
LIÊN KẾT