-
Chữ ký số từ xa: Giải pháp tiện lợi và đổi mới trong phương thức ký số27/08/2024Dịch vụ ký số từ xa (Remote Signing) là một trong những bước tiến trong quá trình số hóa nền kinh tế, đem lại sự thuận lợi cho các giao dịch hành chính, thương mại của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp…
Ký số từ xa là một trong những bước tiến trong quá trình số hóa nền kinh tế
Chữ ký số từ xa (remote signature) là một loại chữ ký số kiểu mới sử dụng công nghệ đám mây (cloud-based) để ký số mà không cần sử dụng thêm bất kỳ thiết bị phần cứng nào. Giải pháp này đang trở thành xu hướng và được nhiều quốc gia phát triển áp dụng.
Chữ ký số từ xa còn được gọi với nhiều tên khác như: chữ ký số online, chữ ký số không dùng USB token, chữ ký số di động,…
Không phụ thuộc vào nhà mạng; Không phụ thuộc vào thiết bị; Dễ dàng tích hợp với các ứng dụng ký số - là 3 ưu điểm lớn nhất của chữ ký số từ xa.
Theo đó, sự khác biệt rõ nhất của ký số từ xa so với ký số thông thường là sử dụng công nghệ đám mây để ký số mà không cần dùng USB Token hay SIM với tốc độ ký nhanh hơn, ký được nhiều hơn mà vẫn đảm bảo an toàn và tính pháp lý.
Các doanh nghiệp/cá nhân có thể ký trực tiếp trên máy tính, điện thoại di động hoặc máy tính bảng thay vì chỉ thực hiện trên máy tính có USB token như hiện nay.
Nguyên lý hoạt động của chữ ký số từ xa được dựa trên cơ sở đáp ứng các tiêu chuẩn Châu Âu eIDAS (Bộ quy định về định danh số) và đáp ứng quy định theo Thông tư 16/2019/TT-BTTTT đối với ký số từ xa. Theo đó, người dùng chỉ có thể ký số trên thiết bị khi chứng minh danh tính và được xác thực bởi các nhà cung cấp chữ ký số được cấp phép.
Đơn vị cung cấp dịch vụ chữ ký số sẽ tạo và quản lý từ xa khóa bí mật theo sự ủy quyền của người dùng, thay vì lưu trên các thiết bị phần cứng (như USB Token, SIM, Card). Đồng thời, sẽ cấp cho người dùng chữ ký số từ xa một ID dựa trên số chứng thư số được xác thực.
Khi người dùng sử dụng ID và mã PIN (hoặc các phương thức xác thực nâng cao khác như smart OTP, sinh trắc học hoặc FID02) để yêu cầu ký số, phần mềm sẽ gửi thông báo xác minh quyền truy cập chữ ký số. Phần mềm sẽ xác nhận danh tính của người ký và xuất thông tin khóa bí mật cho phép ký số ngay trên thiết bị di động.
Như vậy, có thể thấy mô hình ký số từ xa có rất nhiều ưu điểm vượt trội, mang lại sự tiện lợi, hiệu quả và giá trị kinh tế tối đa cho người sử dụng. Tuy mô hình này không thể tránh khỏi một vài hạn chế nhưng người dùng có thể kiểm soát và khắc phục được trong quá trình sử dụng. Với những lợi thế này, giải pháp ký số từ xa ngày càng trở nên phổ biến và được áp dụng rộng rãi ở rất nhiều lĩnh vực như hành chính, kinh tế, dịch vụ mua sắm…
Theo các chuyên gia, khi dịch vụ công trực tuyến phát triển đến mức độ 3,4, chứng thực bản sao điện tử, định danh điện tử và căn cước công dân điện tử… đều sẽ yêu cầu chữ ký số. Đây sẽ là hình thức đảm bảo danh tính mức độ cao và là một trong những yếu tố hình thành công dân số. Sự ra đời của chữ ký số từ xa đem lại sự tiện lợi và đổi mới trong phương thức ký số hiện nay.
Từ tháng 7/2024 Trung tâm Phát triển thương mại điện tử (ECOMVIET), Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương chính thức triển khai dịch vụ Ký số từ xa (Remote Signing) cho doanh nghiệp thực hiện việc ký số cho các dịch vụ công ngành Công Thương quản lý. Với số lượng hơn 50 nghìn doanh nghiệp đang thực hiện khai báo dịch vụ công với Bộ Công Thương hiện nay thì giải pháp ký số từ xa do ECOMVIET triển khai sẽ góp phần hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện tốt hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn trong việc ký, gửi hồ sơ trực tuyến.
Nếu có bất kỳ vướng mắc về thủ tục đăng ký cấp dịch vụ, đề nghị doanh nghiệp gửi email tới địa chỉ dangkyca@ecomviet.vn hoặc liên hệ Hotline tại Hà Nội: (024) 62705538; (024) 22205513; tại TP. Hồ Chí Minh: (028) 39152880 để kịp thời được hỗ trợ chuyên sâu, nhanh chóng giải quyết các vấn đề liên quan đến ký số từ xa.
Nguồn: Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số
-
Rủi ro pháp lý đối với hợp đồng điện tử không an toàn: Kỳ 2 - Ký lùi ngày khi không có dấu thời gian09/10/2024Để tiếp nối nội dung về rủi ro chữ ký số giả mạo trong kỳ trước, bài viết lần này sẽ khai thác một vấn đề khác đầy thách thức trong việc đảm bảo tính pháp lý của hợp đồng điện tử: hành vi ký lùi ngày khi không có dấu thời gian. Dù có vẻ đơn giản, nhưng hành vi này tiềm ẩn nhiều hệ lụy pháp lý nghiêm trọng, đặc biệt trong bối cảnh hợp đồng điện tử ngày càng trở thành công cụ giao dịch quan trọng và phổ biến trên thị trường hiện nay.
-
Bộ Công Thương lập đoàn công tác làm việc về xây dựng 'Đề án phát triển công nghiệp sinh học ngành kinh tế - kỹ thuật lĩnh vực Công Thương'08/10/2024Trong các ngày từ 26⁄6 đến 12⁄7⁄2024, Bộ Công Thương sẽ làm việc về xây dựng “Đề án phát triển công nghiệp sinh học ngành kinh tế - kỹ thuật lĩnh vực Công Thương” tại một số đơn vị.
-
Rủi ro pháp lý đối với hợp đồng điện tử không an toàn dẫn đến không được bên thứ ba thừa nhận. Kỳ 1: Chữ ký số giả mạo07/10/2024Với xu hướng online hóa các thủ tục hành chính và sự bùng nổ các giao dịch điện tử trên môi trường số, chữ ký số ngày càng trở nên phổ cập và sử dụng rộng rãi trong các hoạt động của cá nhân và doanh nghiệp để thực hiện ký kết hợp đồng, giao dịch hồ sơ giấy tờ nhanh chóng, tiện lợi và tiết kiệm chi phí.
-
Hỗ trợ các bên xác thực tra cứu hợp đồng đã chứng thực30/09/2024Trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, việc sử dụng hợp đồng điện tử ngày càng trở nên phổ biến. Các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân có thể dễ dàng ký kết, quản lý, và thực hiện giao dịch mà không cần đến các phương thức truyền thống như hợp đồng giấy.
-
Tác động của trí tuệ nhân tạo đến thương mại điện tử23/09/2024Trí tuệ nhân tạo (AI) đã trở nên thiết yếu đối với công nghệ thương mại điện tử trong những thập kỷ qua. Sự phát triển nhanh chóng của nó đã thay đổi cách người tiêu dùng mua sắm trực tuyến.