-
Diễn đàn kết nối doanh nghiệp đồng hành chuyển đổi số Công Thương16/12/2022Sáng ngày 16/12/2022 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (TMĐT và KTS) - Bộ Công Thương đã tổ chức Diễn đàn kết nối doanh nghiệp đồng hành Chuyển đổi số Công Thương. Theo đó, Cục TMĐT và KTS và Công ty cổ phần FPT cùng các đối tác đồng hành bao gồm: Công ty ACCESSTRADE VIETNAM, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam BIDV, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam – VECOM và các đối tác cung cấp giải pháp chuyển đổi số hợp tác đồng hành.
Tham dự Diễn đàn có đại diện Lãnh đạo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, đại diện các doanh nghiệp đồng hành, cùng đại diện các Sở Công Thương, đại diện các đối tác triển khai Chương trình; đại diện các Tập đoàn, Tổng công ty, doanh nghiệp của ngành Công Thương và các đối tác cung cấp giải pháp và đông đảo các cơ quan báo chí truyền thông Trung ương và địa phương.
Bà Lại Việt Anh - Phó Cục trưởng Phụ trách Cục TMĐT và KTS phát biểu khai mạc Diễn đàn Thời gian qua, các doanh nghiệp Công thương, đặc biệt là doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ đang phải đối mặt với những thách thức rất lớn từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và tác động bởi đại dịch Covid-19. Đại dịch Covid-19 đã và đang thay đổi cuộc sống, thói quen của con người, gây ra những khó khăn, thách thức chưa từng có, buộc các nhà sản xuất và người tiêu dùng phải thay đổi và thích ứng. Đặc biệt, trong giai đoạn 2023-2025, trong bối cảnh kinh tế thế giới đứng trước nguy cơ suy thoái, chuyển đổi số trong doanh nghiệp đã được Đảng và Nhà nước quan tâm, được Chính phủ, đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ xác định là giải pháp quan trọng, là xu hướng tất yếu để các doanh nghiệp nâng cao năng lực, lợi thế cạnh tranh, tồn tại, tăng tốc và phát triển.
Việt Nam là một trong những quốc gia đi tiên phong trên thế giới trong việc ban hành các chương trình và chiến lược về Chuyển đổi số quốc gia. Ngoài ra, doanh nghiệp nhỏ, vừa và siêu nhỏ còn được đặc biệt quan tâm phát triển khi được hỗ trợ kinh phí chuyển đổi số từ nguồn ngân sách nhà nước từ tháng 10 năm 2021. Hành động này của Chính phủ đã đưa Việt Nam trở thành quốc gia có nhận thức về chuyển đổi số, đồng thời chiến lược đã tạo cơ hội cho nhiều doanh nghiệp vươn lên, tạo sự bứt phá nhờ hỗ trợ của cuộc cách mạng công nghệ.
Toàn cảnh Diễn đàn Theo khảo sát của Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam năm 2020, thì tại Việt Nam, hơn 92% doanh nghiệp đã có sự quan tâm đến ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Tuy nhiên, chỉ có chưa đến 10% trong số họ nhận định rằng việc chuyển đổi số đã thành công và có thể mang lại giá trị trọng yếu cho doanh nghiệp.
Thêm vào đó, doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ tại Việt Nam đang chiếm phần đa số, ước tính chiếm khoảng 97% tổng số doanh nghiệp nhưng thực trạng đổi mới sáng tạo và khoa học công nghệ để chuyển đổi số còn chưa cao. Khoảng hơn 90% doanh nghiệp trong số này chưa thực sự hiểu biết về chuyển đổi số và tầm quan trọng của chuyển đổi số, và hơn 70% số doanh nghiệp chưa biết bắt đầu từ đâu.
Đối với các doanh nghiệp ngành Công Thương, kết quả điều tra, khảo sát đánh giá mức độ sẵn sàng tiếp cận với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 do Bộ Công Thương phối hợp với Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam cho thấy mức độ chuyển đổi số tại doanh nghiệp còn rất thấp, đặc biệt doanh nghiệp sản xuất. Những hạn chế, khó khăn doanh nghiệp gặp phải trong quá trình Chuyển đổi số bao gồm: (i) hạn chế về nhận thức, nhân lực triển khai Chuyển đổi số; (ii) hạn chế về thông tin các giải pháp chuyển đổi số trên thị trường; (iii) hạn chế về tiếp cận các nguồn tài chính nhằm triển khai CĐS; (iv) hạn chế trong việc xây dựng hệ sinh thái tổng thể nhằm thức đẩy chuyển đổi số, bao gồm: chính sách, nhân lực, logistics, phương thức thanh toán cũng như hạ tầng kết nối.
Vì vậy, thực hiện chủ trương, định hướng của Chính phủ về hỗ trợ Chuyển đổi số cho các cơ sản xuất kinh doanh, bao gồm: Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03 tháng 6 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 17 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27 tháng 9 năm 2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4; nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn và cấp bách của các doanh nghiệp ngành Công Thương trong việc triển khai chuyển đổi số, Cục TMĐT và KTS tổ chức Diễn đàn kết nối doanh nghiệp đồng hành Chuyển đổi số Công Thương.
Diễn đàn được tổ chức nhằm đánh giá, trao đổi về thực trạng chuyển đổi số của doanh nghiệp ngành Công Thương, đồng thời kết nối các đơn vị cung cấp giải pháp chuyển đổi số uy tín để đồng hành, hỗ trợ quá trình chuyển đổi số này của doanh nghiệp. Ngoài ra, Diễn đàn cũng quy tụ nhưng chuyên gia về chuyển đổi số cho doanh nghiệp vừa và nhỏ nhằm đề xuất giải pháp cũng như cách thức phối hợp, huy động nguồn lực để từng bước xây dựng Hệ sinh thái Chuyển đổi số ngành Công Thương.
Diễn đàn đã diễn ra với hai Phiên tọa đàm bao gồm:
Phiên một với chủ đề “Thực trạng chuyển đổi số từ góc nhìn của các đơn vị triển khai” có sự tham gia của lãnh đạo Cục TMĐT và KTS, Tập đoàn FPT, Công ty ACCESSTRADE Việt Nam, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, Công ty Abivin, Công ty CP TopCV Việt Nam, Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam – BIDV.
Tại Phiên một, các diễn giả đã chia sẻ về mức độ sẵn sàng chuyển đổi số của doanh nghiệp công thương, các giải pháp công nghệ hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp, từ đó thảo luận đề xuất các hoạt động phối hợp với Cục TMĐT và KTS trong thời gian tới nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp công thương lộ trình chuyển đổi số hiệu quả, thiết thực.
Phiên hai với chủ đề “Chia sẻ bài học kinh nghiệm và khó khăn của doanh nghiệp đã và đang chuyển đổi số” có sự tham gia của đại diện Công ty Phích nước bóng đèn Rạng Đông, Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN, Công ty cổ phần Sài Gòn Food, Công ty cổ phần công nghệ Haravan, Công ty cổ phần Fado Việt Nam; Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam
Tại Phiên hai, các diễn giả cùng nhau chia sẻ về các kinh nghiệm thực tế trong quá trình ứng dụng công nghệ vào công tác vận hành, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong 02 lĩnh vực lớn sản xuất công nghiệp và kinh doanh – thương mại điện tử. Tại phiên thảo luận, các diễn giả thảo luận những thuận lợi, khó khăn trong lộ trình chuyển đổi số của doanh nghiệp, cũng như đề xuất, kiến nghị các hỗ trợ từ phía Bộ Công Thương nhằm giúp các doanh nghiệp chuyển đổi số hiệu quả thông qua Hệ sinh thái chuyển đổi số doanh nghiệp.
Phiên tọa đàm 1 của Diễn đàn Phiên tọa đàm 2 của Diễn đàn Trong khuôn khổ Diễn đàn cũng diễn ra Lễ ký kết Biên bản thỏa thuận hợp tác giữa Cục TMĐT và KTS cùng các đơn vị đồng hành bao gồm: Tập đoàn FPT, Công ty ACCESSTRADE Việt Nam, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam BIDV, trong việc xây dựng Hệ sinh thái Chuyển đổi số Công Thương.
Hệ sinh thái Chuyển đổi số Công Thương được xây dựng nhằm mục tiêu:
- Thay đổi tư duy, nhận thức quản trị của doanh nghiệp trong công cuộc chuyển đổi số, hướng tới phát triển doanh nghiệp bền vững trên nền tảng số;
- Tiếp cận công cụ chuyển đổi số từ bước tư vấn thực trạng doanh nghiệp, khả năng chuyển đổi số đến các combo giải pháp công nghệ thuộc 05 nhóm giải pháp: Quản trị vận hành, bán hàng và marketing, Logistics, thanh toán và tài chính, Đào tạo, phát triển nhân lực số và truyền thông.
- Triển khai nhiều "điểm chạm" với các cá nhân, tổ chức có nhu cầu triển khai các hoạt động chuyển đổi số toàn diện cho đơn vị mình bao gồm: (i) Hệ thống đánh giá mức độ CĐS của doanh nghiệp, và đánh giá tín nhiệm cho DN cung cấp giải pháp; (ii) Các khoá đào tạo/tập huấn: cung cấp các khoá học từ cơ bản đến nâng cao, phù hợp với nhiều nhóm doanh nghiệp; (iii) Cẩm nang chuyển đổi số - cung cấp các tài liệu hướng dẫn, hỗ trợ chuyển đổi số từ cơ bản đến chuyên sâu; (iv) Câu chuyện chuyển đổi số - chia sẻ những điển hình đã đạt được những hiệu quả nhất định trong quá trình chuyển đổi số, nền tảng đào tạo trực tuyến về chuyển đổi số; (v) Mạng lưới chuyên gia chuyển đổi số - Kết nối cá nhân, doanh nghiệp có nhu cầu triển khai chuyển đổi số trực tiếp tới các chuyên gia trong nhiều ngành nghề khác nhau đang có những hoạt động tư vấn chuyển đổi số hiệu quả; (vi) Chuỗi các sự kiện chuyển đổi số chia theo lĩnh vực, ngành nghề và quy mô doanh nghiệp, các Cuộc thi tìm hiểu về chuyển đổi số và giải thưởng cho các ý tưởng chuyển đổi số dành cho khối sinh viên các khoa TMĐT, kinh tế số, công nghệ thông tin...
Có thể nói việc hợp tác giữa Cục TMĐT và KTS – Bộ Công Thương với các đơn vị đồng hành như Công ty cổ phần FPT, Công ty ACCESSTRADE Việt Nam, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam BIDV, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt nam và các đối tác cung cấp giải pháp chuyển đổi số uy tín trong công tác triển khai, xây dựng Hệ sinh thái Chuyển đổi số Công Thương sẽ tạo thêm một kênh hỗ trợ thiết thực và hiệu quả cho doanh nghiệp ngành Công Thương trong việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, qua đó giúp nâng cao năng lực cạnh tranh, vượt qua khó khăn thách thức, hướng tới phát triển doanh nghiệp bền vững trên nền tảng số, góp phần đưa Việt Nam trở thành nền kinh tế số hàng đầu tại khu vực.
Ban tổ chức Diễn đàn tặng hoa đại diện các doanh nghiệp đồng hành và đối tác tổ chức Thông tin đối tác
1. Công ty cổ phần FPT
Là công ty CNTT - VT số 1 Việt Nam, FPT đang tư vấn, triển khai, cung cấp các dịch vụ, sản phẩm, giải pháp cho khách hàng tại 27 quốc gia và vùng lãnh thổ trên phạm vi toàn cầu. Dựa trên kinh nghiệm được đúc kết trong hơn ba thập kỷ, hệ sinh thái công nghệ Made by FPT và tri thức về các công nghệ lõi AI, Cloud, Big Data, Blockchain...., FPT đồng hành cùng Chính phủ, nhà quản lý, doanh nghiệp và cộng đồng, xã hội trong hành trình chuyển đổi số, khẳng định vị thế của Việt Nam trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 - Cuộc cách mạng số. Thông tin chi tiết vui lòng truy cập website: http://www.fpt.com.vn
2. Công ty ACCESSTRADE VIỆT NAM
ACCESSTRADE là nền tảng tiếp thị liên kết hàng đầu Đông Nam Á với kinh nghiệm hơn 20 năm từ Nhật Bản đã tiếp cận thị trường Việt Nam từ năm 2015 với việc thành lập ACCESSTRADE Việt Nam. Trong suốt 7 năm có mặt tại thị trường Việt Nam, ACCESSTRADE đã đạt được nhiều thành tựu lớn trong việc triển khai giải pháp tiếp thị liên kết cho các doanh nghiệp lớn như Shopee, Lazada, Tikia, MB bank, VP bank,..., giúp các doanh nghiệp này đã và đang trên đà tăng trưởng bền vững với hàng triệu đơn hàng/người dùng được tạo ra hàng tháng.
Song song với hợp tác với các doanh nghiệp lớn, ACCESSTRADE cũng nhận được nhiều đề nghị hợp tác từ các SME đầy tiềm năng nhưng thiếu các công cụ phát triển, đồng thời cũng nhận được lời mời hợp tác từ các đơn vị cung cấp giải pháp B2B để cùng làm giàu hệ sinh thái B2B. Do đó, ACCESSTRADE nhận ra vấn đề của các SME không phải là thiếu giải pháp tăng trường mà là chưa có người đứng ra tư vấn và kết nối với các giải pháp phù hợp với quy mô, mục tiêu phát triển. Từ vấn đề hiện hữu trên, ACCESSTRADE quyết định thử nghiệm mô hình ACCESS DGS (Digital Growth Stable) từ năm 2021 và đã có vài thành tựu nhất định.
ACCESS DGS hoạt động với concept gần tương tự như một phòng tập gym ho các SMEs, là nền tảng cung cấp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ đầy đủ dịch vụ của một “phòng gym” như “dụng cụ tập” (các giải pháp hỗ trợ bán hàng, chuyển đổi số...), “giáo trình” (được tư vấn và tiếp cận lộ những giải pháp phù hợp nhất với quy mô, định hướng của SMEs) và cuối cùng là “PT” (những chuyên gia giàu kinh nghiệm trong quá trình chuyển đổi số, tăng trưởng doanh nghiệp). Từ những hỗ trợ trên, ACCESS DGS đảm bảo cho các SMEs sẽ không đơn độc trong tiến trình tự chuyển mình để tăng trưởng của mình, từ đó góp phần tăng tỉ lệ thành công.
Trên thực tế, mô hình này đã được ACCESSTRADE thai nghén và áp dụng từ cuối năm 2021 khi nhận được yêu cầu dịch vụ B2B đầu tiên là tìm kiếm seller phù hợp từ các sàn thương mại điện tử. Cho đến thời điểm hiện tại, ACCESSTRADE có hơn 1.000 doanh nghiệp đồng hành với 5 triệu đơn hàng mỗi tháng, giải quyết căn cơ bài toán tăng trưởng cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, ACCESS DGS cũng đã hỗ trợ cho hơn 5.000 SMEs/tháng kết nối với các giải pháp sàn, thương mại điện tử như Shopee, Lazada..
Với hiệu quả thu được khả quan trong giai đoạn thử nghiệm, đồng thời nhìn nhận thấy như cầu ngày càng tăng của các SMEs cũng như các doanh nghiệp Martech, SAAS, ACCESSTRADE quyết định ra mắt chính thức chương trình ACCESS DGS từ ngày 12/12/2022 với kì vọng đây sẽ là lời giải hợp lý, tối ưu chi phí cho hơn 810.000 SMEs, doanh nghiệp Martech, SAAS trên thị trường.
3. Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam BIDV
Với tầm nhìn đến năm 2030 trở thành ngân hàng có nền tảng số tốt nhất Việt Nam, BIDV đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp và đạt được những kết quả đáng khích lệ trên hành trình chuyển đổi số. Để cụ thể hóa mục tiêu đó, đại diện BIDV nhấn mạnh: “Chuyển đổi số không còn là một khái niệm, mà là hành động cụ thể, quyết định sự sống còn, tồn vong của bất kỳ tổ chức nào, trong đó có các ngân hàng. BIDV xác định mục tiêu hiệu quả là đầu tiên, lấy khách hàng làm trung tâm, lấy công nghệ làm khâu đột phá và nguồn nhân lực là cốt lõi”.
Đối với khách hàng doanh nghiệp, BIDV xác định các giải pháp trọng tâm của BIDV để đồng hành cùng DNVVV trong quá trình chuyển đổi số thông qua các định hướng cụ thể.
Thứ nhất, BIDV phát triển danh mục đa dạng các sản phẩm, dịch vụ tài chính số bao gồm các dòng sản phẩm về quản lý khoản phải thu, quản lý khoản phải trả, quản lý thanh khoản,… nhằm giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí và dễ dàng tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng trong công tác chuyển đổi số tại doanh nghiệp.
Thứ hai, để hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục hạn chế về nguồn lực tài chính cho chuyển đổi số, BIDV đã triển khai các chính sách, chương trình khuyến mại dành cho khách hàng doanh nghiệp như miễn phí toàn bộ giao dịch chuyển tiền trong nước dành cho khách hàng mới/khách hàng ngủ đông khi đăng ký Gói dịch vụ tài chính BIDV iBank; giảm 50% phí tài trợ thương mại và chuyển tiền quốc tế trên kênh ngân hàng điện tử BIDV iBank; miễn phí kết nối dịch vụ BIDV iConnect của BIDV, đàm phán với đối tác cung cấp ERP để có chính sách ưu đãi cho khách hàng sử dụng dịch vụ BIDV iConnect.
Nền tảng số SMEASY hỗ trợ DNNVV đánh dấu mốc quan trọng của BIDV trên hành trình chuyển đổi số cùng DNNVV. Đây là nền tảng số “All in one” đầu tiên tại Việt Nam theo mô hình One Stop Shop được BIDV xây dựng và chính thức ra mắt ngày 8/12/2022. Nền tảng SMEasy cung cấp các giải pháp tài chính và phi tài chính toàn diện cho DNNVV với các tính năng vượt trội, trải nghiệm mới mẻ, phân loại hóa người dùng bao gồm chuyển đổi số, kết nối kinh doanh, học viện đào tạo, kho công cụ và cẩm nang hỗ trợ quản trị kinh doanh.
Thứ ba, BIDV đã triển khai các chương trình truyền thông, đào tạo về sản phẩm số dành cho doanh nghiệp với nhiều hình thức mới mẻ, dễ tiếp cận để lan tỏa các giải pháp của BIDV tới khách hàng, từ đó thực hiện được các mục tiêu của BIDV về hỗ trợ DNNVV chuyển đổi số.
Là ngân hàng tiên phong trong lĩnh vực chuyển đổi số, BIDV đã đạt được nhiều kết quả xuất sắc trong hoạt động chuyển đổi số, và được vinh danh với các giải thưởng danh giá như Ngân hàng SME tốt nhất Đông Nam Á 2022, Ngân hàng SME tốt nhất Việt Nam 5 năm liên tiếp từ 2018-2022; Chuyển đổi số Việt Nam - Vietnam Digital Awards 2021, 2022 Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam - Vietnam Digital Awards (VDA) năm 2022…
Nguồn: Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số
-
Khẩn trương hoàn thiện dự thảo Quy chế quản lý và sử dụng Hệ thống Thư điện tử Bộ Công Thương29/05/2023Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số ( Cục TMĐT và KTS) đang phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ khẩn trương hoàn thiện dự thảo Quyết định thay thế cho Quyết định số 6295/QĐ-BCT ngày 14 tháng 7 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc ban hành Quy chế quản lý và sử dụng Hệ thống Thư điện tử Bộ Công Thương.
-
Tập huấn Ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động kinh doanh tại Yên Châu (Sơn La)26/05/2023Ngày 24/5/2023, tại Hội trường Trung tâm hội nghị huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La, Trung tâm Phát triển thương mại điện tử (TMĐT) (Cục TMĐT và Kinh tế số, Bộ Công Thương) phối hợp với Sở Công Thương tỉnh Sơn La và UBND huyện Yên Châu tổ chức Hội nghị tập huấn Ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động kinh doanh tại Yên Châu.
-
Định hướng phát triển TMĐT bền vững tỉnh Sơn La26/05/2023Sáng ngày 25/5/2023, tại Sơn La, UBND tỉnh phối hợp cùng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Cục TMĐT & KTS) - Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị định hướng phát triển TMĐT bền vững tỉnh Sơn La.
-
Nâng cấp hệ thống vé điện tử ứng dụng biên lai điện tử tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám23/05/2023Thực hiện hướng dẫn tại Thông tư 78/2021/TT-BTC hướng dẫn thực hiện một số điều của luật quản lý thuế ngày 13 tháng 6 năm 2019, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ (Nghị định 123), tháng 05/2023, Trung tâm Tin học và Công nghệ số, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) phối hợp cùng Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám tiến hành nâng cấp hệ thống vé điện tử sử dụng dụng biên lai điện tử.
-
Quyết liệt giải pháp chống gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái trong thương mại điện tử20/05/2023Để ngăn chặn tình trạng gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái trong thương mại điện tử, việc quyết liệt triển khai các giải pháp ngày càng trở nên cấp bách.