-
Hội nghị trực tuyến xúc tiến tiêu thụ vải thiều năm 202108/06/2021Ngày 8/6, UBND tỉnh Bắc Giang phối hợp với Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị trực tuyến xúc tiến tiêu thụ vải thiều tỉnh Bắc Giang năm 2021.
Tham dự tại điểm cầu Trung tâm tỉnh Bắc Giang có Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên; Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt; Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải; Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Trần Thành Nam; Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Anh Tuấn; ông Dương Văn Thái, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Giang; bà Lê Thị Thu Hồng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang; ông Lê Ánh Dương Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang; ông Phan Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang.
Ngoài ra còn có 22 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố trong cả nước và 8 điểm cầu tại các nước: Nhật Bản, Úc, Singapore, Trung Quốc.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Phan Thế Tuấn Báo cáo tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Phan Thế Tuấn cho biết, năm 2021, trước bối cảnh chung của đại dịch Covid-19, Bắc Giang đã quản lý chặt chẽ các đối tượng F0 (chỉ có trong các khu công nghiệp) không để lây ra cộng đồng; Lục Ngạn (vùng Vải thiều lớn nhất của tỉnh) không Covid, với những cách làm năng động, sáng tạo và triển khai các giải pháp hết sức cụ thể, quyết liệt để bảo vệ Vùng Vải thiều. Do đó, đến nay đã khẳng định: “Vải thiều Bắc Giang chất lượng cao nhất từ trước đến nay, có hương vị thơm ngon, chất lượng vượt trội: Quả to, vỏ đỏ, hạt nhỏ, cùi dày” là những đặc trưng riêng, làm nên thương hiệu vải thiều nổi tiếng trong và ngoài nước...
Đến nay, quả vải thiều của tỉnh Bắc Giang đang được bảo hộ nhãn hiệu tại 8 quốc gia (Trung Quốc, Mỹ, Nhật, Úc, Hàn Quốc, Singapore, Lào, Campuchia). Đặc biệt, tháng 3/2021 vải thiều Lục Ngạn – Bắc Giang đã trở thành sản phẩm nông sản đầu tiên của Việt Nam được chính thức bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản, đã mở đường cho việc thúc đẩy bảo hộ chỉ dẫn địa lý vải thiều tại các quốc gia khác; đồng thời, là "giấy thông hành" để vải thiều Lục Ngạn – Bắc Giang xuất khẩu vào các thị trường lớn, tiềm năng khác.
Năm 2021, diện tích vải thiều toàn tỉnh là 28.100 ha, sản lượng ước đạt 180.000 tấn (tăng khoảng 15.000 tấn so với năm 2020), trong đó vải chín sớm 6.050ha, sản lượng ước 45.000 tấn; vải thiều chính vụ diện tích 22.050ha, sản lượng ước đạt 135.000 tấn.
Vụ vải thiều năm 2021 diễn ra trong bối cảnh thật đặc biệt, dịch Covid-19 bùng phát mạnh, tỉnh Bắc Giang đã ban hành Kế hoạch số 2189/KH-UBND ngày 17/5/2021 tiêu thụ vải thiều trong tình hình dịch bệnh Covid-19, trong đó xây dựng 03 kịch bản: Kịch bản 1: Dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, vải thiều được tiêu thụ thuận lợi: Sản lượng vải thiều tiêu thụ 50% trong nước (khoảng 90.000 tấn), 50% xuất khẩu (khoảng 90.000 tấn). Kịch bản 2: Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, tuy nhiên vẫn trong tầm kiểm soát: Sản lượng vải thiều được tiêu thụ 70% trong nước, khoảng 130.000 tấn, 30% xuất khẩu, khoảng 50.000 tấn và Kịch bản 3: Dịch Covid-19 ảnh hưởng toàn diện, hoạt động xuất khẩu nhỏ giọt, sản lượng vải thiều chủ yếu tiêu thụ nội địa: Sản lượng vải thiều được tiêu thụ chủ yếu trong nước, chiếm 90% (khoảng 160.000 tấn), xuất khẩu 10%, khoảng 20.000 tấn.
Tỉnh Bắc Giang đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT về làm việc trực tiếp với tỉnh nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong khâu tiêu thụ. Bộ Công Thương đã chỉ đạo và đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương thực hiện hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các phương tiện (và người áp tải, giao, nhận hàng) khi vận chuyển hàng hóa thiết yếu, nguyên vật liệu, vật tư phục vụ sản xuất nói chung, các mặt hàng nông sản và đặc biệt là quả vải (có sản lượng lớn, thời gian thu hoạch ngắn, yêu cầu bảo quản, vận chuyển khắt khe) của tỉnh Bắc Giang nói riêng qua các tỉnh, thành phố theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Nhân dịp Hội nghị, tỉnh Bắc Giang đề nghị Bộ NN&PTNT tiếp tục hướng dẫn tỉnh thực hiện quản lý chất lượng sản phẩm vải thiều đảm bảo các điều kiện xuất khẩu sang thị trường khó tính; đề nghị Bộ Công Thương tiếp tục hỗ trợ tiêu thụ vải thiều trên các sàn thương mại điện tử, chỉ đạo các thương vụ của Việt Nam ở nước ngoài hỗ trợ kết nối, tiêu thụ vải thiều...
Năm 2021 là lần đầu tiên từ trước tới nay, vải thiều Bắc Giang được tổ chức phân phối một cách bài bản có hệ thống và có tổ chức trên đồng loạt cả 06 sàn thương mại điện tử lớn tại Việt Nam. Việc kết nối tiêu thụ nông sản trên nền tảng số được đánh giá là một trong những giải pháp hiệu quả, là cánh tay nối dài bên cạnh phương thức phân phối hàng hoá truyền thống, từ đó giúp bà con nông dân mở rộng thị trường tiêu thụ khắp 63 tỉnh, thành phố, tận dụng ưu thế của công nghệ theo xu hướng 4.0.
Thực hiện Chỉ thị số 08/CT-BCT ngày 25/5/2021 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc tạo điều kiện thuận lợi trong lưu thông và tăng cường hỗ trợ tiêu thụ tại thị trường trong nước các sản phẩm nông sản của các địa phương có sản lượng nông sản lớn, sản xuất tập trung trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số được giao làm đầu mối, chủ trì chỉ đạo, hướng dẫn các sàn giao dịch thương mại điện tử tạo điều kiện cho người bán, thương nhân kinh doanh nông sản tham gia sàn, hỗ trợ và ưu tiên các thương nhân kinh doanh nông sản tham gia “Gian hàng Việt trực tuyến Quốc gia” và trên các Sàn thương mại điện tử.
Ngay từ sớm, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã làm việc và phối hợp chặt chẽ với 06 sàn thương mại điện tử lớn tại Việt Nam bao gồm: Sendo (FPT), Voso (Viettel Post), Tiki-BigC/GO, Shopee, Lazada và Postmart (VnPost) để tổ chức việc hỗ trợ tiêu thụ mặt hàng vải thiều Bắc Giang trên các sàn thương mại điện tử.
Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã khẩn trương phối hợp cùng 06 sàn thương mại điện tử lớn tại Việt Nam thống nhất triển khai những phương án thu mua, vận chuyển logistics thương mại điện tử và chuẩn bị các hoạt động truyền thông, quảng bá để đáp ứng mọi đơn hàng vải thiều, vận chuyển nhanh bằng mọi hình thức từ xe lạnh tới phương thức hàng không và được bảo quản tốt nhằm đem tới chất lượng quả vải cao nhất đến tay người tiêu dùng.
Các Sàn thương mại điện tử hợp tác với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số lần này đều trên tinh thần chung tay cùng Bắc Giang để tập trung hỗ trợ mạnh mẽ để tiêu thụ sản phẩm vải thiều Bắc Giang, mặt khác hỗ trợ các Hợp tác xã ở Bắc Giang tổ chức bán hàng trên môi trường thương mại điện tử.
Các sàn thương mại điện tử sẽ trực tiếp tổ chức thu mua hoặc thông qua đối tác thu mua và phân phối qua Gian hàng Việt trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử. Các sàn thương mại điện tử đồng hành, chung tay quảng bá hình ảnh, livestream ngay tại vườn . . . để đẩy mạnh tiêu thụ vải thiều trong dịp này. Một sàn thương mại điện tử cho biết, chỉ trong vòng 12 tiếng từ khi bắt đầu mở bán, lượng đơn đặt hàng đã lên tới trên 30 tấn vải thiều riêng qua kênh online.
Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cũng đã có công văn gửi các kênh phân phối trực tuyến, tăng cường hiển thị các sản phẩm nông sản trên website bán hàng, thúc đẩy tiêu thụ cho nông sản đặc biệt là cho sản phẩm vải thiều của Bắc Giang đợt này.
Trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số có kế hoạch phối hợp cùng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương trong việc hỗ trợ đảm bảo nguồn cung ứng hàng hoá thiết yếu kịp thời đến người tiêu dùng đặc biệt là ở vùng có dịch. Với lợi thế của thương mại điện tử, trong trường hợp hàng hoá thiết yếu thiếu hụt cục bộ ở một số địa phương, một số điểm, các nhà cung cấp thông qua phương thức thương mại điện tử có thể bổ sung nguồn cung hàng hoá thiết yếu một cách nhanh và được giao tới người dân mà không nhất thiết phải tiếp xúc trực tiếp qua phương thức mua sắm tại siêu thị, chợ truyền thống.Thực hiện vai trò đơn vị đầu mối, nhằm tăng cường công tác truyền thông hỗ trợ đẩy mạnh tiêu thụ nông sản trên thương mại điện tử và môi trường số, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã phối hợp cùng Bộ Thông tin và Truyền thông, cụ thể thông qua các đơn vị: Cục Công nghệ thông tin, Cục báo chí, Cục Thông tin đối ngoại, Vụ Bưu chính chung tay đưa thông tin về thương hiệu sản phẩm vải thiều Bắc Giang tới đông đảo người dân các tỉnh thành trong cả nước để người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận mua sắm.
Với sự chung tay mạnh mẽ của các sàn thương mại điện tử, sự tổ chức điều phối của cơ quan quản lý nhà nước, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số kỳ vọng vải thiều Bắc Giang năm nay sẽ trải qua một mùa dịch khó khăn nhưng đầy ắp sự chia sẻ từ cộng đồng doanh nghiệp thương mại điện tử tại Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã chúc mừng và đánh giá cao cách làm của tỉnh Bắc Giang trong việc tổ chức Hội nghị trực tuyến trong bối cảnh dịch bệnh với những cách làm năng động, sáng tạo và triển khai các giải pháp hết sức quyết liệt. Bộ trưởng mong rằng không chỉ trái vải thiều, nhiều sản phẩm khác đặc trưng của Bắc Giang cũng cần được áp dụng giải pháp tương tự để hiệu quả kinh doanh được nâng lên nhiều lần trong tương lai.
Bộ trưởng khẳng định, trái vải thiều - một trong những sản phẩm được kết tinh của tiểu vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa của vùng Đồng bằng Bắc Bộ. Đặc biệt, được sản xuất, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản, vận chuyển theo một quy trình khép kín, công nghệ hữu cơ được cơ quan chức năng của Việt Nam và của địa phương bảo đảm các tiêu chuẩn an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng và an toàn dịch bệnh.
Bộ trưởng hy vọng, với thiện chí và nỗ lực của tất cả các bên liên quan, trái vải thiều thơm ngon của Bắc Giang sẽ sớm đến tay người tiêu dùng, tất cả các quốc gia, tất cả các địa phương trong cả nước. Bộ trưởng mong rằng sau sự kiện này sẽ có thêm nhiều đối tác, doanh nghiệp bạn hàng tiếp tục đến với Việt Nam, với Bắc Giang qua kênh thương mại điện tử, các sàn giao dịch điện tử hoặc trực tiếp nếu điều kiện cho phép để thu mua, kinh doanh vải thiều cũng như nhiều sản phẩm đặc trưng khác, góp phần củng cố, phát triển quan hệ kinh tế thương mại rất tốt đẹp, hai chiều giữa Việt Nam với quốc gia, vùng lãnh thổ; Góp phần thực hiện thành công các mục tiêu, chiến lược sản xuất kinh doanh của từng doanh nghiệp và bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng bốn phương.
Bộ trưởng đề nghị các cơ quan chức năng, các tỉnh, thành phố, các tổ chức thương mại, các thương nhân của Việt Nam, các cơ quan ngoại giao và thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, các Đại sứ quán, các cơ quan ngoại giao, các tổ chức, các cơ quan chức năng, các tổ chức thương mại, hiệp hội doanh nghiệp, doanh nhân của các quốc gia, vùng lãnh thổ là đối tác thương mại của Việt Nam sẽ tiếp tục đồng hành cùng Bắc Giang và các địa phương của Việt Nam, phối hợp chặt chẽ với nhau để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa và tạo luồng xanh cho trái vải thiều được thông quan thuận lợi qua các cửa khẩu. “Tôi mong muốn các sản phẩm nông sản của Việt Nam, nhất là những trái cây tươi được tới tay người tiêu dùng sớm nhất ở cả các thị trường trong nước và nước ngoài, cả thị trường truyền thống và thị trường mới”, Bộ trưởng chia sẻ tại Hội nghị.
Trong khuôn khổ Hội nghị cũng đã diễn ra Lễ Công bố và trao văn bằng Chỉ dẫn địa lý vải thiều Lục Ngạn tại Nhật Bản, Lễ Khai trương “Gian hàng vải thiều trên Sàn Alibaba.com và các Sàn Thương mại điện tử” và Lễ xuất hành Đoàn xe vải thiều tiêu thụ tại thị trường trong nước và quốc tế (tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang)... Những sự kiện quan trọng này góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho vải thiều của tỉnh Bắc Giang được thông quan thuận lợi, đưa vải thiều tiêu thụ trên các trang thương mại điện tử và tiêu thụ vải tại các hệ thống siêu thị lớn, chợ đầu mối lớn trong nước.
Nguồn: Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số
-
Dự thảo Luật Thương mại điện tử: Nỗ lực hoàn thiện khung pháp lý, thúc đẩy phát triển bền vững01/07/2025Ngày 30 tháng 6 năm 2025, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến về Dự án Luật Thương mại điện tử (TMĐT) do Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân chủ trì, với sự tham gia thành viên Tổ soạn thảo, đại diện các bộ, ngành, hiệp hội, chuyên gia, cộng đồng doanh nghiệp và cơ quan thông tấn báo chí.
-
Dự thảo Luật Thương mại điện tử tập trung vào 6 nhóm chính sách lớn30/06/2025Chiều ngày 30⁄6⁄2025, tại trụ sở Bộ Công Thương, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân chủ trì Hội nghị lấy ý kiến dự thảo Luật Thương mại điện tử.
-
Hội nghị lấy ý kiến về Dự thảo Luật Thương mại điện tử26/06/2025Ngày 30 tháng 6 năm 2025, Bộ Công Thương sẽ tổ chức Hội nghị lấy ý kiến về Dự án Luật Thương mại điện tử (TMĐT) dự kiến do Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì, với sự tham gia của đại diện các bộ, ngành, hiệp hội, chuyên gia, cộng đồng doanh nghiệp và cơ quan thông tấn báo chí.
-
Thương mại điện tử mở đường cho hàng hóa miền Trung vươn xa26/06/2025Thương mại điện tử đang mở hướng đi chiến lược giúp miền Trung phát triển bền vững, kết nối vùng miền, số hóa đặc sản và hội nhập sâu vào nền kinh tế số quốc gia.
-
Doanh nghiệp TMĐT: Nắm vững chính sách để phát triển bền vững25/06/2025Chiều ngày 25⁄6⁄2025, tại Hà Nội, Trung tâm Phát triển Thương mại điện tử và Công nghệ số (eComDX), Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) đã phối hợp cùng TikTok Việt Nam, Ngân hàng BIDV và các đơn vị tư vấn vận hành TMĐT tổ chức chương trình đào tạo với chủ đề “Kinh doanh dài lâu - Bắt đầu từ luật”. Chương trình nhằm nâng cao nhận thức và năng lực tuân thủ pháp luật trong môi trường số đang ngày càng phát triển.