• Hội thảo Nâng cao kiến thức sở hữu trí tuệ trong quản lý thương hiệu
    27/12/2017
    Triển khai thực hiện Chương trình phối hợp giữa Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Công Thương về hoạt động khoa học và công nghệ giai đoạn 2017-2020, ngày 26/12, tại Hà Nội, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị “Bồi dưỡng nâng cao kiến thức sở hữu trí tuệ trong quản lý thương hiệu – kiểu dáng công nghiệp và nghiên cứu nhằm triển khai công tác phối hợp hoạt động sở hữu trí tuệ trong ngành Công Thương”.

    Hội nghị tập trung thảo luận các nội dung chính như: văn bản quy phạm pháp luật về SHTT; tổng quan về SHTT; bảo vệ quyền SHTT trong TMĐT; các hành vi vi phạm pháp luật SHTT; cách thức để bảo vệ thương hiệu của sản phẩm hàng hóa, bảo vệ tài sản trí tuệ trong nghiên cứu khoa học,…

    Hội nghị nhận định SHTT là một nội dung quan trọng trong sản xuất, kinh doanh, nghiên cứu. Việc thực hiện quyền SHTT, phòng chống xâm phạm SHTT đã được quy định trong các văn bản pháp luật. Tuy nhiên, trên thực tế, việc mất bản quyền hay bị xâm phạm bản quyền xảy ra ngày càng nhiều. Vì vậy, cần thiết phải nâng cao hiểu biết về SHTT nhằm tuân thủ quy định của pháp luật cũng như đảm bảo quyền lợi của đơn vị mình trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

    Đặc biệt, trên môi trường thương mại điện tử, hoạt động thực thi quyền SHTT cũng đang đặt ra nhiều vấn đề đối với cơ quan quản lý nhà nước. Theo ông Nguyễn Hữu Tuấn, Trưởng phòng Quản lý hoạt động thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, phương thức, thủ đoạn hoạt động của đối tượng vi phạm SHTT ngày càng tinh vi, khó thu thập chứng cứ vi phạm, đối tượng vi phạm. Bên cạnh đó, nhận thức của người dân còn hạn chế, dù biết hàng giả vẫn mua vì giá rẻ, thích hàng nhái thương hiệu nổi tiếng hoặc chưa đủ kỹ năng và thông tin để nhận biết; nhận thức của doanh nghiệp cũng chưa đầy đủ; đồng thời, đối với cán bộ thực thi công vụ, năng lực chuyên môn, kỹ thuật để nhận biết, kinh nghiệm còn thiếu,… Đây là những khó khăn trong công tác thực thi quyền SHTT hiện nay. Vì vậy, cần đẩy mạnh công tác kiểm tra kiểm soát thị trường kết hợp với phổ biến, tuyên truyền; tập huấn cho các cơ quan thực thi pháp luật; đẩy mạnh phối hợp thực thi giữa các cơ quan thương mại điện tử, quản lý thị trường, hải quan, công an, khoa học công nghệ,…

    Thống kê từ năm 2012-2015 cho thấy các lực lượng chức năng của các bộ, ngành đã tiến hành thanh tra, kiểm tra và tiếp nhận 25.966 vụ việc có dấu hiệu xâm phạm quyền SHTT, sản xuất, buôn bán hàng giả; xử lý vi phạm hành chính 25.543 vụ việc, trong đó cảnh cáo 68 vụ việc, phạt tiền 23.197 vụ việc với tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính gần 97 tỷ đồng và đã khởi tố 381 vụ việc với 553 bị can.

    Ngoài ra, tại Hội nghị, vấn đề thực tiễn thực thi, giải quyết tranh chấp SHTT, một số vụ việc cụ thể, các vướng mắc và xu hướng giải quyết tranh chấp SHTT cũng được tập trung phân tích, qua đó, nâng cao nhận thức về SHTT đối với cán bộ quản lý nhà nước và doanh nghiệp, đồng thời đẩy mạnh khai thác, ứng dụng thông tin SHTT.


    Nguồn: online.gov.vn
Tin mới
Tin tức
TRA CỨU
WEBSITE THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ ĐÃ ĐĂNG KÝ/THÔNG BÁO VỚI BỘ CÔNG THƯƠNG
LIÊN KẾT