• Hội nghị phổ biến kiến thức về chuyển đổi số cho cán bộ, lãnh đạo tỉnh Nam Định
    14/06/2022
    Ngày 10/06, UBND tỉnh Nam Định tổ chức hội nghị phổ biến kiến thức về chuyển đổi số cho cán bộ, lãnh đạo tỉnh Nam Định. Hội nghị được kết nối trực tuyến tới các huyện, thành phố Nam Định và 226 xã, phường, thị trấn với thành phần tham gia là cán bộ chủ chốt, cán bộ công chức phụ trách công nghệ thông tin, chuyển đổi số và cải cách hành chính truyền thông các địa phương. Bà Nguyễn Thị Minh Huyền - Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) tham dự và trình bày tham luận tại Hội nghị.

    Phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ Phạm Gia Túc khẳng định: So với nhiều địa phương khác, tỉnh Nam Định chưa mạnh về phát triển công nghiệp, dịch vụ, nguồn thu thấp, nhưng tỉnh đã có cách làm riêng trong xây dựng chính quyền điện tử, cải cách hành chính, cung cấp các dịch vụ tiện ích phục vụ người dân, doanh nghiệp… mang lại những kết quả ban đầu rất tích cực. Kiến trúc nền tảng của chính quyền điện tử bước đầu được hình thành; cơ sở hạ tầng thông tin và truyền thông được tăng cường đầu tư và hoạt động ổn định hiệu quả; các hệ thống thông tin trọng yếu được triển khai đồng bộ, kết nối liên thông 4 cấp. Chỉ số đánh giá chuyển đổi số của các bộ, cơ quan ngang bộ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2020 (DTI 2020), Nam Định đứng thứ 11/63 tỉnh thành, trong đó chỉ số thành phần về Xã hội số Nam Định đứng thứ 5/63 tỉnh thành. Tuy nhiên, chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh vẫn là một khái niệm mới, nhiều cán bộ, đảng viên chưa hiểu thấu đáo và còn lúng túng trong quá trình triển khai thực hiện.

    Bà Nguyễn Thị Minh Huyền – Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số phát biểu tại Hội nghị

    Tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Minh Huyền – Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã chia sẻ: Chuyển đối số trong ngành Công Thương là một định hướng quan trọng của Bộ Công Thương thực hiện chiến lược chuyển đổi số quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Ban cán sự đảng Bộ Công Thương đã ban hành Nghị quyết số 33NQ/BCSĐ thực hiện Chương trình chuyển đổi số của Bộ Công Thương giai đoạn 2022 – 2025. Bộ Công Thương cũng xác định tập trung vào những nhóm giải pháp đồng bộ hướng tới người dân, doanh nghiệp, địa phương là chìa khóa để tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư nên cần được triển khai liên tục, kiên trì, thực chất, hiệu quả, tránh hình thức, lãng phí nguồn lực, đồng thời đảm bảo tính kế thừa và đổi mới sáng tạo với những bước đi vững chắc. Cụ thể, từ 12/2020 đến nay, Bộ Công Thương đã triển khi đồng loạt nhiều chương trình, hoạt động thúc đẩy thị trường phát triển thương mại điện tử và các giải pháp số hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã ứng dụng thương mại điện tử như “Ngày mua sắm trực tuyến Quốc gia Online Friday”, “Gian hàng Việt trực tuyến” trên các sàn TMĐT, chương trình Go-Online… hay các chương trình hợp tác thương mại điện tử với các nền tảng thương mại điện tử quốc tế lớn để hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu. Bên cạnh đó, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) đã chủ động phối hợp với các Sở Công Thương tại 63 tỉnh, thành phố kết nối với các sàn thương mại điện tử lớn tại Việt Nam là Sendo.vn, Voso.vn, Postmart, Tiki.vn, Shopee, Lazada… triển khai các Hội nghị đào tạo tập huấn về kỹ năng thương mại điện tử cho các cán bộ quản lý địa phương, các doanh nghiệp hay Hội nghị xúc tiến tiêu thụ nông sản, đặc sản địa phương trên thương mại điện tử và môi trường số…

    Cũng theo chia sẻ của bà Nguyễn Thị Minh Huyền: “Theo số liệu thống kê từ Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cùng Hiệp hội Thương mại điện tử, hiện Nam Định đứng trong Top 20 địa phương trên 63 địa phương về ứng dụng phát triển thương mại điện tử. Cụ thể, năm 2021 thương mại điện tử của Nam Định đứng thứ 17 trên 63 tỉnh thành. Những con số này đã thể hiện được những nỗ lực và sự quan tâm sát sao của các Lãnh đạo Sở, Ban ngành tỉnh Nam Định. Như vậy, đây là cơ sở và nền tảng tốt để phát triển chuyển đổi số tại tỉnh Nam Định.”

    Năm 2022, bên cạnh đẩy mạnh kết nối thương mại điện tử theo địa phương, Bộ Công Thương (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số) định hướng kết nối theo vùng (như miền Trung, miền Nam) theo hướng phối hợp đẩy mạnh xúc tiến tiêu thụ trên cả kênh truyền thống và thương mại điện tử tại thị trường trong nước và hướng đến xuất khẩu; tổ chức các chương trình kết nối thương mại điện tử, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm địa phương trên thương mại điện tử; đào tạo tập huấn cho doanh nghiệp sản xuất, hợp tác xã phân phối trên thương mại điện tử một cách hiệu quả.

    Để thực hiện tốt nhiệm vụ thực hiện chuyển đổi số, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ yêu cầu lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh và UBND các huyện, thành phố tiếp tục nghiên cứu, quán triệt và tổ chức thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU tại cơ quan, đơn vị, địa phương một cách nghiêm túc, hiệu quả. Trong đó tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm: nghiên cứu, tiếp thu những kiến thức, kinh nghiệm về chuyển đổi số của các chuyên gia; nêu cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu; đẩy mạnh tuyên truyền đến mỗi đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức và người dân về chuyển đổi số, các tổ chức, doanh nghiệp.

    Chuyển đổi số là một việc khó nhưng là xu hướng tất yếu khách quan, là động lực quan trọng để phát triển kinh tế xã - hội nhanh và bền vững; vì thế phải tiến hành khẩn trương, kiên trì, liên tục; kế thừa những thành tựu phát triển công nghệ, các ứng dụng và dữ liệu số đã có, đi đôi với đổi mới sáng tạo, thường xuyên tổng kết, đánh giá để có những bước đi phù hợp tiếp theo.


    Nguồn: Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số
Tin mới
Tin tức
TRA CỨU
WEBSITE THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ ĐÃ ĐĂNG KÝ/THÔNG BÁO VỚI BỘ CÔNG THƯƠNG
LIÊN KẾT