-
Nâng cao năng lực quản lý và phát triển TMĐT toàn quốc15/09/2023Ngày 14/9/2023, tại thành phố Quy Nhơn (tỉnh Bình Định), Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (TMĐT&KTS) - Bộ Công Thương phối hợp với Sở Công Thương tỉnh Bình Định tổ chức Hội thảo quản lý và phát triển TMĐT toàn quốc nhằm nâng cao năng lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực TMĐT cho cán bộ quản lý, chuyên viên thuộc Sở Công Thương các tỉnh, thành phố toàn quốc.
Tham dự Hội thảo có Cục trưởng Cục TMĐT&KTS Lê Hoàng Oanh, Phó Cục trưởng Cục TMĐT&KTS Lại Việt Anh, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Định và nhiều Lãnh đạo Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Đại diện Hiệp hội TMĐT Việt Nam (Vecom), Công ty Cổ phần khoa học Dữ Liệu… cùng sự tham dự của đại diện các phòng, ban thuộc Cục TMĐT&KTS, Sở Công Thương tỉnh Bình Định và các Sở Công Thương toàn quốc.
Nâng cao năng lực quản lý để đảm bảo sự phát triển bền vững của TMĐT
Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Lê Hoàng Oanh - Cục trưởng Cục TMĐT&KTS cho biết, những năm gần đây, TMĐT Việt Nam ghi nhận tốc độ tăng trưởng nhanh và mạnh mẽ. Hiện tại, trên 73% dân số Việt Nam sử dụng Internet, trong số đó có tới 78% người dùng tham gia mua sắm trực tuyến. Năm 2022, TMĐT tiếp tục là một trong những điểm sáng trong phát triển kinh tế số với tốc độ tăng trưởng 20% và doanh thu thương mại điện tử bán lẻ (B2C) đạt 16,4 tỷ USD, chiếm 7,5% tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng của cả nước. Như vậy, TMĐT Việt Nam xếp thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á về quy mô và dẫn đầu về tốc độ phát triển.
“Những thành tựu ấn tượng như trên là kết quả của một hệ thống chiến lược, chính sách dài hạn và nhất quán của Chính phủ nhằm phát triển TMĐT từ đầu những năm 2010, là sự nỗ lực, đồng hành, phối hợp với Bộ Công Thương của tất cả các địa phương trên toàn quốc mà đặc biệt là của các Sở Công Thương, các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực TMĐT và các lĩnh vực liên quan”, Cục trưởng Cục TMĐT&KTS nhấn mạnh. Theo Cục trưởng, thời gian qua, Bộ Công Thương phối hợp cùng các Sở Công Thương tổ chức rất nhiều chương trình đào tạo, tập huấn về pháp luật TMĐT, xây dựng hệ sinh thái xuất khẩu xuyên biên giới, kết nối giao thương TMĐT, nâng cao năng lực tiếp cận TMĐT cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, truyền thông về TMĐT cho người tiêu dùng trên toàn quốc, v.v...
Cục trưởng Cục TMĐT&KTS Lê Hoàng Oanh
Cục trưởng thẳng thắn chia sẻ: “Tuy chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ nhưng TMĐT cũng đang bộc lộ nhiều vấn đề trong thực tiễn như tình trạng hàng gian, hàng giả, vi phạm quyền lợi người tiêu dùng trên môi trường TMĐT; Tình trạng phát triển không đồng đều của TMĐT giữa khu vực thành thị và nông thôn cũng như giữa các thành phố lớn của Việt Nam; Tình trạng manh mún, thiếu tính liên kết về TMĐT giữa các vùng; Hạn chế về cơ sở hạ tầng và logistics phục vụ TMĐT, v.v...”. Vì vậy, theo Cục trưởng, các vấn đề nóng bỏng của thực tiễn như trên đòi hỏi các cơ quan quản lý phải liên tục nỗ lực, nâng cao năng lực quản lý và giải quyết vấn đề để đảm bảo sự phát triển bền vững, lành mạnh của TMĐT trong thời gian tới.
Nhiều giải pháp hỗ trợ địa phương phát triển TMĐT
Tại Hội thảo, các diễn giả đến từ Cục TMĐT&KTS, Hiệp hội TMĐT Việt Nam, Công ty Cổ phần khoa học Dữ Liệu và Sở Công Thương tỉnh Đồng Nai đã chia sẻ nhiều vấn đề liên quan đến: Chính sách phát triển TMĐT&KTS tại các địa phương; Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về TMĐT&KTS; Giới thiệu nhóm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp bán hàng online, giải pháp thúc đẩy hoạt động kết nối giao thương giữa các vùng miền và địa phương thông qua TMĐT; Tổng hợp, phân tích số liệu TMĐT từ các sàn giao dịch trực tuyến...
Bà Lê Thị Hà – Trưởng phòng Chính sách, Cục TMĐT&KTS
Pháp luật về TMĐT được xem là công cụ pháp lý bảo vệ, định hướng xây dựng môi trường kinh doanhTMĐT an toàn. Liên quan đến vấn đề cơ chế, chính sách phát triển TMĐT của Việt Nam, bà Lê Thị Hà – Trưởng phòng Chính sách, Cục TMĐT&KTS đã chia sẻ cụ thể những quy định về trách nhiệm của chủ sàn giao dịch TMĐT, trách nhiệm với người tiêu dùng, vấn đề quản lý bán hàng trên mạng xã hội và quản lý TMĐT có yếu tố nước ngoài...
Bà Trần Bích Ngọc - Thư ký Hội đồng thẩm định Chương trình phát triển TMĐT quốc gia
Với vai trò Thư ký Hội đồng thẩm định Chương trình phát triển TMĐT quốc gia (Chương trình 645), bà Trần Bích Ngọc cho biết, trong nội dung đăng ký Đề án thực hiện Chương trình của các địa phương, nội dung Phát triển các giải pháp TMĐT chiếm 68%, Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực TMĐT chiếm 17% là hai nội dung được đăng ký nhiều nhất. Theo đó, bà Trần Bích Ngọc gợi ý, các địa phương cân nhắc để tìm hiểu, đăng ký các nội dung còn lại liên quan đến Tuyên truyền, phổ biến kỹ năng ứng dụng TMĐT; Tư vấn xây dựng kế hoạch ứng dụng TMĐT; Nâng cao năng lực quản lý các hoạt động TMĐT; Hợp tác quốc tế... Cùng với đó, do thời gian thẩm định, phê duyệt các Đề án được thực hiện một cách chặt chẽ, theo đúng quy trình, với các mốc thời gian rất rõ ràng, bà Trần Bích Ngọc đề xuất các địa phương nên xây dựng lộ trình thực hiện một cách chi tiết, cụ thể để đảm bảo hoàn thành Đề án đúng hạn. Thư ký Hội đồng thẩm định Chương trình phát triển TMĐT quốc gia khẳng định, Cục TMĐT&KTS sẵn sàng hướng dẫn, hỗ trợ, phối hợp cùng các địa phương để các địa phương đăng ký và thực hiện hiệu quả Chương trình phát triển TMĐT quốc gia.
Các diễn giả tại Phiên thảo luận
Tại Hội thảo, phiên thảo luận với chủ đề “Giải pháp phát triển TMĐT bền vững tại Việt Nam” thu hút sự quan tâm, trao đổi của rất nhiều đại biểu. Những vướng mắc trong câu hỏi của từng địa phương đã được các diễn giả chia sẻ rất cụ thể, từ đó, gợi mở những giải pháp và tư vấn giúp địa phương tìm ra hướng đi phù hợp để phát triển TMĐT thời gian tới.
Phiên thảo luận tại Hội thảo
Ông Nguyễn Đình Kha – Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Định nhấn mạnh, phát triển TMĐT sẽ góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành và thực thi kế hoạch phát triển sản xuất, kinh doanh tại địa phương và phù hợp với chủ trương của Nhà nước được phê duyệt trong Quyết định số 645/QĐ-TTg ngày 15/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2021-2025. Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Định hi vọng, Hội thảo chuyên đề về TMĐT sẽ góp phần định hướng và giải quyết một số khó khăn, vướng mắc trong việc phát triển TMĐT hiện nay tại địa phương nói riêng và cả nước nói chung.
Ông Nguyễn Đình Kha – Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Định
Trong khuôn khổ một ngày làm việc, “Hội thảo quản lý và phát triển thương mại điện tử toàn quốc” đã đạt được mục tiêu đề ra, góp phần nâng cao năng lực quản lý nhà nước cho cán bộ quản lý, chuyên viên thuộc Sở Công Thương để từ đó triển khai một cách hiệu quả Chương trình phát triển TMĐT quốc gia, xây dựng môi trường TMĐT tại địa phương lành mạnh, hướng tới xây dựng môi trường TMĐT phát triển bền vững tại Việt Nam.
Nguồn: Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số
-
Chung tay thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển thương mại điện tử các tỉnh vùng Tây Nguyên05/09/2024Ngày 04 tháng 9 năm 2024, tại thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương phối hợp với Sở Công Thương tỉnh Gia Lai tổ chức “Hội nghị thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển thương mại điện tử (TMĐT) các tỉnh vùng Tây Nguyên”.
-
Sắp diễn ra Hội nghị thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển thương mại điện tử tại Gia Lai và các tỉnh vùng Tây Nguyên30/08/2024Dự kiến, Hội nghị hơn 200 đại biểu tham dự, diễn ra vào sáng ngày 4 tháng 9 năm 2024 tại thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai.
-
Phát động Cuộc thi Sinh viên kinh doanh số năm 202428/08/2024Chiều ngày 28 tháng 8 năm 2024 đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Sinh viên kinh doanh số năm 2024 dưới sự phối hợp của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), Mạng lưới các cơ sở đào tạo thương mại điện tử (VECOMNET) và Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông. Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số Lê Hoàng Oanh đã tới tham dự và phát biểu khai mạc tại lễ phát động.
-
Hội nghị tập huấn hệ thống quản lý cán bộ, công chức, viên chức Bộ Công Thương27/08/2024Ngày 29 tháng 4 năm 2022, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký Quyết định số 823⁄QĐ-BCT về việc ban hành Kế hoạch chuyển đổi số giai đoạn 2022-2025, trong đó có nhiệm vụ trọng tâm xây dựng phần mềm quản lý cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) của Bộ.
-
Cần quan tâm đến thể chế trong thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu trực tuyến.15/08/2024Việc hiện thực hóa kì vọng xuất khẩu thương mại điện tử đạt hơn 11 tỉ USD vào năm 2027 là một bài toán đường dài. Theo đó, cần có những cơ chế, chính sách hỗ trợ từ các nền tảng thương mại điện tử cũng như từ cơ quan quản lí nhà nước.