• Logistics và thương mại điện tử: 'Bắt tay' phát triển
    10/04/2018
    Sáng ngày 10/4, tại Hà Nội, Cục Xuất nhập khẩu đã phối hợp với Cục Thương mại điện tử (TMĐT) và Kinh tế số (Bộ Công Thương) tổ chức Hội thảo logistics và Thương mại điện tử.

    Các diễn giả và chuyên gia tham gia toạ đoàm tại Hội thảo

    Tham dự Hội thảo bao gồm đại diện các cơ quan quản lý Nhà nước, các hiệp hội, doanh nghiệp 2 ngành hàng TMĐT và dịch vụ logistics. Hội thảo được tổ chức nhằm trao đổi, tìm nguyên nhân và đề xuất những giải pháp thiết thực góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của 2 lĩnh vực dịch vụ logistics và TMĐT - 2 lĩnh vực đang có sự phát triển rất mạnh mẽ tại Việt Nam hiện nay. 

    TMĐT hiện đang là một xu thế chủ đạo của nền thương mại toàn cầu. Theo Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM), năm 2017, tốc độ tăng trưởng của TMĐT Việt Nam đạt trên 25% và tốc độ này có thể được duy trì trong 3 năm tiếp theo (2018 - 2020). Hàng loạt các tên tuổi lớn của TMĐT thế giới đang cạnh tranh và đầu tư vào Việt Nam như Alibaba, Lazada… cùng sự đầu tư mạnh mẽ của các trang TMĐT trong nước và các tập đoàn lớn như VinGroup với Adayroi, FPT với Sendo.vn, Thế giới di động với vuivui.com… tạo nên thị trường rất sôi động. Việt Nam lại là nước có tỷ lệ dân số trẻ, tỷ lệ tiếp cận công nghệ mới cao và tỷ lệ tăng trưởng GDP cao, ổn định, là tiềm năng lớn cho ngành TMĐT cũng như logistics cho TMĐT phát triển.


    Ông Trần Thanh Hải phát biểu tại hội thảo

    Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhấn mạnh, TMĐT muốn phát triển mạnh, không thể thiếu các dịch vụ logistics có chất lượng. Ngược lại, dịch vụ logistics là một mắt xích then chốt để hoàn tất mua bán trực tuyến các sản phẩm hữu hình. Thời gian qua, chúng ta đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ, sự liên kết chặt của các doanh nghiệp (DN) TMĐT và logistics, tuy nhiên, sự phát triển và liên kết vẫn còn bộc lộ nhiều bất cập, khó khăn.

    Theo ông Đào Trọng Khoa - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, điểm đáng mừng là TMĐT nước ta đang phát triển và đây là cơ hội cho các DN dịch vụ logistics Việt Nam có thêm đơn hàng. Mặc dù trình độ của các DN dịch vụ logistics Việt Nam hiện nay ở tầm trung bình của khu vực nhưng chúng ta cũng có nhiều DN lớn, giữ những vị trí mang tính dẫn dắt và có sức cạnh tranh cao trong khu vực. Điều quan trọng là các DN này có nắm bắt được cơ hội để phát triển dịch vụ này hay không.

    Tuy nhiên cũng tồn tại thách thức khi phần nhiều các DN dịch vụ logistics Việt Nam hiện nay là DN nhỏ và vừa, phải đối diện với không ít thách thức. Cụ thể, nhu cầu của khách hàng ngày càng gia tăng, đòi hỏi những dịch vụ ngày càng tốt hơn với giá cả rẻ hơn. Những quy định ngày càng khắt khe, đặc biệt đối với TMĐT xuyên biên giới của các cơ quan quản lý nhà nước đang tạo ra môi trường cạnh tranh khốc liệt cho các DN Việt Nam. Ngoài ra, những thách thức về dữ liệu trong chuỗi cung ứng không được xuyên suốt cũng đặt ra yêu cầu cấp thiết cho DN là phải nâng cao năng lực, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ thông tin, số hóa là quan trọng nhất. Đây là điều không được phép lựa chọn mà cần thiết phải thực hiện, giống như việc hành động để tồn tại, không hành động sẽ ra khỏi cuộc chơi chung.

    Dưới góc độ của DN TMĐT sử dụng dịch vụ logistics, ông Nguyễn Quang Thuật - Giám đốc Trung tâm xử lý đơn hàng - Công ty CP Công nghệ Sen Đỏ cho hay, trong chuỗi dịch vụ logistics thì vận chuyển được coi là xương sống của TMĐT nhưng hiện nay, chi phí vận chuyển của các DN logistics còn khá cao. Tiếp đến, Việt Nam vẫn còn thói quen sử dụng tiền mặt cho các giao dịch, dễ gây ra những rủi ro, đặc biệt khi lượng tiền các DN logistics phải thu hộ DN TMĐT quá cao. 

    Mặc dù đã có sự phát triển khá mạnh tại Việt Nam thời gian qua nhưng với tính chất của hình thức kinh doanh qua mạng, sự cố là điều không tránh khỏi. Bà Vũ Hương - Vụ Thị trường châu Âu, châu Mỹ (Bộ Công Thương) nêu ví dụ, trước đây chị đã đặt mua một máy pha cà phê qua sàn TMĐT của Sendo, thanh toán qua ngân hàng. Phía DN ra mã code hẹn sau 2 ngày sẽ giao hàng. Tuy nhiên, sau 2 ngày, chị không nhận được hàng và gọi điện đến số điện thoại của DN cũng không liên lạc được. Sau rất nhiều lần giao dịch qua lại với khá nhiều thời gian, chị Hương mới nhận được câu trả lời của DN là hết hàng và ngân hàng mới chuyển khoản trả lại chị số tiền đã đặt.

    Thực tế, sự cố kể trên là điều rất dễ gặp phải khi giao dịch qua mạng ở bất cứ đâu. Điều đáng nói là, DN đó đang thuê sàn TMĐT của Sendo để kinh doanh, cho nên việc mất uy tín của DN thuê sàn sẽ dễ gây nên việc NTD thiếu thiện cảm với dịch vụ kinh doanh của chính DN TMĐT. Do đó, theo các chuyên gia, điều quan trọng nhất với các giao dịch TMĐT là phải giữ được uy tín, tạo niềm tin của NTD. Niềm tin phải được tạo dựng từ chất lượng hàng hóa, thời gian giao hàng chính xác, chất lượng phục vụ của shipper… Việc này DN TMĐT không thể tự xây dựng được mà còn cả sự chung tay của DN logistics, DN kinh doanh trên ứng dụng TMĐT…

     


    Dịch vụ logistics cho TMĐT có cơ hội lớn để phát triển

    Ông Nguyễn Thanh Hưng - Chủ tịch Hiệp hội TMĐT Việt Nam nhấn mạnh, niềm tin trong TMĐT là vấn đề quan trọng nhất DN cần xây dựng trong thời điểm hiện nay bởi chỉ cần một sự việc nhỏ xảy ra, nhất là việc giao hàng chậm cũng dẫn tới việc khách hàng nghi ngại. Điều này cần sự “bắt tay” mạnh mẽ giữa các DN TMĐT và DN dịch vụ logistics nhằm đảm bảo tốt nhất chất lượng hàng hóa, đảm bảo được thời gian giao hàng đúng như những gì đã cam kết với khách hàng.

    Đồng ý kiến với việc phải liên kết, ông Nguyễn Trần Thi – Tổng giám đốc giaohangnhanh.vn lại nhấn mạnh, việc các DN dịch vụ logistics phải liên kết chặt chẽ với nhau để khép kín và nâng cao chất lượng dịch vụ. Ông Thi gợi ý, các hình thức liên kết có thể là các DN dịch vụ logistics lớn yêu cầu DN logistics nhỏ hơn tích hợp vào hệ thống. Khi các bên ngồi lại và đưa ra giải pháp tổng thể từ kho bãi, lưu chuyển hàng hóa, đưa ra quy trình chuẩn sẽ giúp giảm chi phí, trong khi cung cấp được các dịch vụ tổng thể và khép kín.

    Tuy nhiên, rào cản khiến DN khó hợp tác là do thiếu niềm tin, sợ các đối tác không đáp ứng được các nhu cầu mong muốn, sợ mất khách hàng…. “Tuy nhiên, các DN phải hiểu rằng, logistics cho TMĐT mới đang trong giai đoạn đầu tiên. Đây là cơ hội để bắt đầu và để thị trường ngày càng phát triển hơn theo hướng chuyên nghiệp hóa thì phải nhìn ra được các giải pháp về lâu dài chứ không chỉ nhìn cái lợi nhỏ đầu tiên. Liên kết là giải pháp duy nhất” - ông Thi nhấn mạnh.

    Lý giải rõ hơn, ông Đào Trọng Khoa cho hay, các DN logistics đều đang cải thiện, cố gắng để làm tốt hơn, tuy nhiên để đáp ứng tốt nhất tất cả những yêu cầu của doanh nghiệp TMĐT thì không đơn giản. Giải pháp cho vấn đề này là DN phải biết liên kết lại với nhau, tận dụng được thế mạnh của nhau để tạo ra một hệ thống các dịch vụ khép kín nhằm đáp ứng được tốt nhất yêu cầu của khách hàng, cạnh tranh tốt với các DN logistics có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam. Việc các DN TMĐT Việt Nam liên kết với các DN dịch vụ logistics theo hướng “DN ưu tiên sử dụng dịch vụ của nhau” cũng sẽ góp phần giúp DN logistics Việt Nam nâng cao sức cạnh tranh, giảm phụ thuộc vào các DN nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam.


    Nguồn: Tổng hợp
Tin mới
Tin tức
TRA CỨU
WEBSITE THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ ĐÃ ĐĂNG KÝ/THÔNG BÁO VỚI BỘ CÔNG THƯƠNG
LIÊN KẾT