• Hội nghị sơ kết 05 năm thực hiện Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về Thương mại điện tử
    17/09/2018
    Vừa qua, ngày 14 tháng 9 năm 2018, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị sơ kết 05 năm thực hiện Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ về thương mại điện tử (TMĐT). Tham dự và chỉ đạo tại hội nghị có ông Cao Quốc Hưng – Thứ trưởng Bộ Công Thương.

    Tới dự hội nghị ngoài các đơn vị thuộc Bộ Công Thương, còn có đại diện các đơn vị liên quan đến từ Ngân hàng Nhà nước, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sở Công Thương các tỉnh thành phố, hiệp hội và doanh nghiệp hoạt động trong TMĐT.

    Tại Hội nghị, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng đã có bài phát biểu khai mạc, theo đó Thứ trưởng cho rằng: “hành lang pháp lý cho TMĐT trong đó trụ cột là Nghị định số 52/2013/NĐ-CP đã đóng một vai trò rất quan trọng trong việc định hướng và tạo môi trường để TMĐT phát triển. Sau 05 năm thực hiện Nghị định, cùng với sự phát triển và lan tỏa của công nghệ số hóa, TMĐT đã góp phần tạo ra diện mạo và phương thức vận hành mới của hệ thống phân phối nói riêng cũng như lĩnh vực thương mại nói chung tại Việt Nam.”

    Hiện nay, Việt Nam có trên 50 triệu người dùng Internet, chiếm 54% dân số, vượt mức trung bình của thế giới là 46,64% và đang trở thành quốc gia có tiềm lực mạnh về phát triển TMĐT. Việt Nam có khoảng 33 triệu dân đã từng tham gia mua sắm trực tuyến ít nhất một lần trong năm. Thị trường TMĐT bán lẻ tăng trưởng nhanh chóng từ 2,2 tỷ USD năm 2013 lên 6,2 tỷ USD năm 2018, đóng góp 3,8% doanh thu bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng cả nước. Hoạt động TMĐT ngày càng đa dạng, không chỉ trên máy tính, mà còn trên các thiết bị hiện đại khác như điện thoại thông minh, máy tính bảng; không chỉ diễn ra trên các website TMĐT, mà còn qua các ứng dụng trên nền tảng di động. Việc mua hàng trực tuyến dần trở thành hoạt động phổ biến của người dân, đặc biệt là người tiêu dùng tại khu vực thành thị.

    Thực hiện quy định tại Nghị định số 52/2013/NĐ-CP, từ năm 2013 Bộ Công Thương đã tiếp nhận hồ sơ đăng ký/thông báo website/ứng dụng TMĐT qua Cổng thông tin quản lý hoạt động TMĐT (www.online.gov.vn). Số lượng DN và cá nhân thực hiện thủ tục thông báo/đăng ký tăng nhanh trong giai đoạn 2013 – 2017, cụ thể: từ 1.923 tài khoản doanh nghiệp năm 2013 lên 26.622 tài khoản năm 2017 (tăng 13,8 lần); từ 305 tài khoản cá nhân năm 2013 lên đến 9.193 năm 2017 (tăng 30,1 lần); từ 344 hồ sơ đăng ký website cung cấp dịch vụ TMĐT năm 2013 lên 3.449 hồ sơ năm 2017 (tăng 10 lần); từ 518 hồ sơ thông báo website TMĐT bán hàng lên đến 35199 hồ sơ năm 2017 (tăng 67,9 lần).
    Số liệu thống kê từ Cổng thông tin quản lý hoạt động TMĐT cho thấy, đến năm 2017, số lượng website TMĐT bán hàng được xác nhận thông báo là 18.783 website, tăng 29 lần so với năm 2013; trong khi đó, số lượng website cung cấp dịch vụ TMĐT được xác nhận đăng ký năm 2017 là 914 website, tăng 5,8 lần so với năm 2013.

    Tại Hội nghị, nhiều doanh nghiệp hoạt động TMĐT đã bày tỏ mong muốn các cơ quan quản lý nhà nước cần bổ sung các quy định pháp lý phù hợp cho hệ sinh thái TMĐT phát triển trong đó bao gồm cả các hoạt động mua bán, thanh toán, giao nhận, hàng hóa; cần có cơ chế thúc đẩy giao dịch không dùng tiền mặt trong TMĐT; thúc đẩy, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia TMĐT xuyên biên giới, tham gia các sàn giao dịch TMĐT quốc tế v.v…

    Sự phát triển của thị trường TMĐT trong giai đoạn tới được dự đoán còn nhiều thay đổi đặt ra nhiều vấn đề cần điều chỉnh. Các mô hình hoạt động TMĐT, các chủ thể tham gia TMĐT không chỉ còn giới hạn ở các mô hình TMĐT phổ biến là website/ứng dụng TMĐT bán hàng và website/ứng dụng cung cấp dịch vụ TMĐT. Bên cạnh đó, tình hình vi phạm trong TMĐT cũng diễn biến ngày càng phức tạp, xu hướng vi phạm ngày càng tinh vi về cả quy mô và mức độ. Các vụ tranh chấp về TMĐT có xu hướng gia tăng, chủ yếu là các tranh chấp liên quan đến thông tin cá nhân; hình thức giao kết hợp đồng; các hành vi lừa đảo mà phổ biến là các giao dịch hàng hóa, dịch vụ không đúng như mô tả, không đúng chất lượng hoặc hàng giả, hàng nhái.

    Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng kết luận: “Cùng với sự đổi mới liên tục của công nghệ, thì hoạt động TMĐT cũng là lĩnh vực chịu nhiều tác động và thay đổi nhanh chóng nhất. Nhiều mô hình TMĐT mới xuất hiện, đa dạng về cách thức hoạt động, phức tạp về chủ thể tham gia và chưa được điều chỉnh bởi các khuôn khổ pháp luật hiện hành; các hành vi vi phạm về TMĐT ngày càng diễn ra tinh vi; vấn đề về quản lý TMĐT xuyên biên giới, vấn đề về quản lý thuế trong TMĐT và nhiều vấn đề mới khác sẽ là bài toán mà cơ quan quản lý nhà nước cần tập trung giải quyết trong giai đoạn tới”.

    Tại Hội nghị, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết sẽ có kế hoạch hoàn thiện hạ tầng pháp lý về TMĐT trong giai đoạn tới, không chỉ dừng lại ở việc rà soát Nghị định số 52/2013/NĐ-CP mà sẽ tiếp tục rà soát, phân tích toàn bộ hệ thống văn bản pháp lý về TMĐT, tập trung khắc phục các vướng mắc, bất cập hiện nay, nhằm đáp ứng yêu cầu quan lý nhà nước và phù hợp với tình hình thực tế phát triển của TMĐT.


    Nguồn: IDEA
Tin mới
Tin tức
TRA CỨU
WEBSITE THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ ĐÃ ĐĂNG KÝ/THÔNG BÁO VỚI BỘ CÔNG THƯƠNG
LIÊN KẾT