-
Công tác phổ biến Nghị định số 52⁄2013⁄NĐ-CP về Thương mại điện tử đạt được nhiều kết quả tích cực01/07/2013Ngày 28⁄6⁄2013, tại TP Hồ Chí Minh, Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị phổ biến về Nghị định số 52⁄2013⁄NĐ-CP ngày 16⁄5⁄2013 về Thương mại điện tử (TMĐT) cho các Sở Công Thương và doanh nghiệp phía Nam.
Đây là Hội nghị thứ ba được tổ chức sau hai Hội nghị tại miền Bắc (Hà Nội, 21/6/2013) và miền Trung (TP Huế, 27/6/2013) trước khi Nghị định mới có hiệu lực và Cổng thông tin quản lý hoạt động TMĐT (www.online.gov.vn) chính thức hoạt động vào ngày 01/7/2013.
“Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ra đời là hết sức kịp thời và cần thiết'
Tại Hội nghị lần thứ ba này, Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin đã giới thiệu và phổ biến những nội dung chính của Nghị định mới ban hành. Nghị định số 52/2013/NĐ-CP gồm 80 Điều chia thành 7 Chương đã quy định cụ thể về các hoạt động TMĐT cũng như công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này, với mục tiêu thiết lập hành lang pháp lý cho các giao dịch TMĐT được tiến hành một cách minh bạch, trên cơ sở cạnh tranh lành mạnh, qua đó tạo điều kiện để TMĐT phát triển.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Trần Hữu Linh – Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, Bộ Công Thương cho biết: “Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ra đời là hết sức kịp thời và cần thiết đối với hoạt động TMĐT tại Việt Nam. Hành lang pháp lý hoàn thiện và chặt chẽ sẽ tạo điều kiện để TMĐT phát triển, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp và xây dựng các tập quán thương mại hiện đại cho Việt Nam.”
Bên cạnh đó, Hội nghị cũng đã dành thời gian phổ biến về Thông tư số 12/2013/TT-BCT ngày 20/6/2013 của Bộ Công Thương quy định thủ tục thông báo, đăng ký và công bố thông tin liên quan đến website TMĐT cũng có hiệu lực vào ngày 01/7/2013.
Một nội dung quan trọng cũng thu hút được sự quan tâm của các Sở Công Thương và các doanh nghiệp phía Nam chính là hoạt động của Cổng thông tin quản lý hoạt động TMĐT. Theo Nghị đinh mới, các thủ tục thông báo website TMĐT bán hàng và đăng ký website cung cấp dịch vụ TMĐT được thực hiện trực tuyến tại Cổng thông tin quản lý hoạt động TMĐT do Bộ Công Thương chủ trì. Cổng thông tin này cũng là nơi công bố công khai danh sách các website đã thực hiện thủ tục thông báo, đăng ký và các website vi phạm quy định pháp luật, đồng thời là nơi tiếp nhận ý kiến phản ánh của người dân về các website TMĐT có hành vi vi phạm để xử lý.
Đại diện Cục TMĐT và CNTT giới thiệu về Cổng thông tin quản lý hoạt động TMĐT
Hầu hết các ý kiến của đại biểu tham dự đều đánh giá tích cực việc ra đời Nghị định mới về TMĐT. Theo ông Nguyễn Tuyên – Công ty Thế giới trực tuyến (TP HCM), Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về TMĐT được ban hành là điều rất cần thiết để hoạt động của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này được pháp luật chứng nhận, đồng thời loại bỏ được các doanh nghiệp kinh doanh không lành mạnh.
Tuy nhiên, các đại biểu cũng băn khoăn đối với việc thông báo và đăng ký trên Cổng thông tin quản lý hoạt động TMĐT. Bởi lẽ, khi Cổng chính thức hoạt động, số lượng doanh nghiệp, tố chức, cá nhân tiến hành đăng ký hoặc thông báo sẽ rất lớn. Đồng thời, các đại biểu cũng cho rằng cần phải đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền phổ biến Nghị định 52/2013/NĐ-CP về TMĐT và Cổng thông tin quản lý hoạt động TMĐT đến rộng rãi hơn trong đời sống để nâng cao hiệu quả của hoạt động TMĐT.
Trước những ý kiến của đại biểu tham dự Hội nghị, ông Nguyễn Kỳ Minh, Phó Giám đốc Trung tâm phát triển TMĐT (Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin) cho biết, các website về TMĐT đã đăng ký trước đây sẽ không cần phải đăng ký lại. Mặt khác, để đảm bảo cho Cổng thông tin hoạt động một cách hiệu quả, Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin đã chuẩn bị hệ thống máy chủ, hạ tầng cơ sở và nguồn nhân lực một cách đầy đủ với chất lượng tốt nhất.
“Chuỗi Hội nghị đã thu được nhiều kết quả tích cực”
Đánh giá về kết quả chuỗi Hội nghị phổ biến Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 của Chính phủ về TMĐT và các văn bản liên quan, ông Trần Hữu Linh – Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin nhấn mạnh, chuỗi Hội nghị đã thu được nhiều kết quả tích cực. Ba Hội nghị được tổ chức tại ba miền đã giúp các Sở Công Thương trên toàn quốc nắm bắt kịp thời những nội dung chính của Nghị định mới, từ đó, khi Nghị định có hiệu lực sẽ nâng cao hiệu quả của quản lý nhà nước về TMĐT.
Cũng theo ông Trần Hữu Linh, việc tham gia của rất nhiều doanh nghiệp tại các Hội nghị cũng cho thấy sự quan tâm của họ đối với lĩnh vực đầy tiềm năng này. Việc phổ biến Nghị định mới đã giúp các doanh nghiệp nhận thức được sự định hướng của Chính phủ đối với hoạt động TMĐT. Đồng thời, các quy định pháp luật chặt chẽ về TMĐT cũng sẽ giúp các doanh nghiệp có những bước đi thích hợp để nâng cao hiệu quả kinh doanh của đơn vị mình.
Đại biểu tham gia thảo luận tại Hội nghị
Trong thời gian tới đây, khi Nghị định có hiệu lực và Cổng thông tin quản lý hoạt động TMĐT đi vào hoạt động, Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền và tập huấn cho các Sở Công Thương, đơn vị đầu mối quản lý TMĐT để Nghị định số 52/2013/NĐ-CP thực sự phát huy hết hiệu quả, góp phần để TMĐT trở thành một tập quán thương mại hiện đại, nâng cao sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt Nam./.
Nguồn: moit.gov.vn
-
Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn làm việc với Bộ Công Thương20/09/2024Ngày 17 tháng 9, tại trụ sở Bộ Công Thương, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã có buổi làm việc với Bộ Công Thương về tình hình thực hiện nhiệm vụ được giao trong 8 tháng năm 2024, những khó khăn vướng mắc và giải pháp thúc đẩy trong thời gian tới.
-
Xin Chào Hà Nội: Tăng trưởng kinh doanh toàn cầu với Thương mại điện tử và Giải pháp số30/08/2024“Xin Chào Hà Nội: Tăng trưởng kinh doanh toàn cầu với Thương mại điện tử và Giải pháp số” là chương trình được thiết kế trong một ngày, nhằm hỗ trợ Doanh nghiệp tận dụng thế mạnh của thương mại điện tử xuyên biên giới và các giải pháp kỹ thuật số để phát triển kinh doanh một cách bền vững.
-
Thủ tướng chỉ đạo quyết liệt, thực hiện hiệu quả chuyển đổi số và Đề án 0611/07/2024Ngày mùng 10 tháng 7, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì Phiên họp lần thứ 9 của Ủy ban và Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ, Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2024 về chuyển đổi số quốc gia và Đề án 06 của Chính phủ. Cùng dự có Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban. Phiên họp và Hội nghị được truyền trực tuyến tới các bộ, ngành, 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
-
Chỉ còn 12% người tiêu dùng xem thanh toán không tiền mặt là trở ngại nhỏ17/06/2024Chỉ còn 12% người tiêu dùng xem thanh toán không tiền mặt là trở ngại nhỏ, chứng tỏ hạ tầng thanh toán không tiền mặt luôn sẵn sàng, thuận tiện với người dùng.
-
Tập trung thực hiện 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển thương mại điện tử11/06/2024Kết luận Hội nghị sáng 10 tháng 6, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các cấp, các ngành, nhất là bộ trưởng, trưởng ngành, thủ trưởng các cơ quan, chủ tịch UBND các địa phương tập trung thực hiện 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển thương mại điện tử, mang lại lợi ích cụ thể, thiết thực cho người dân và doanh nghiệp.