-
Mua sắm thời dịch Covid-19: Chuyển hướng đi chợ mạng04/08/2021Dịch Covid-19 đã khiến người tiêu dùng Việt Nam dễ dàng tiếp nhận sàn thương mại điện tử, kênh mua hàng trực tuyến nhanh hơn, nhất là khi mua một số danh mục sản phẩm nhất định.
Vì vậy, đơn vị sản xuất, kinh doanh hoạt động trong ngành tiêu dùng đã thay đổi chiến lược tiếp cận thị trường bằng việc xây dựng nhiều kênh bán hàng, từ đó phát triển mô hình bán hàng đa kênh. Đồng thời, những đơn vị này cũng nỗ lực khắc phục những vấn đề tồn tại của việc bán hàng qua sàn thương mại điện tử như: hậu cần, vận chuyển hoặc thu hút khách hàng.
Tiện ích không giới hạn
Theo các nhà bán lẻ tại Tp. Hồ Chí Minh, mặc dù không thể khẳng định dịch COVID-19 đã khiến người dùng chuyển đổi toàn diện từ kênh mua hàng truyền thống sang kênh mua hàng hiện đại, nhưng ở một số danh mục sản phẩm cụ thể đã có sự chuyển dịch rõ nét từ thương mại truyền thống sang thương mại điện tử và kênh mua trực tuyến. Tại Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh là nơi có số lượng siêu thị và cửa hàng tiện lợi lớn hơn nên mức độ ưa chuộng đối với kênh thương mại hiện đại cao hơn những tỉnh, thành còn lại.
Đặc biệt, biện pháp giãn cách xã hội tại nhiều địa phương đã góp phần thúc đẩy người tiêu dùng tăng mức tiêu thụ đối với dịch vụ giao đồ ăn, giao bưu kiện và dịch vụ giao hàng tạp hóa theo yêu cầu phụ trợ khác thông qua kênh mua sắm trực tuyến. Khi người tiêu dùng dành nhiều thời gian ở nhà, nhu cầu kết nối đã tăng lên cùng thói quen tiêu dùng làm việc từ xa và giải trí trực tuyến mới. Hoạt động giao dịch mua được thực hiện trực tuyến thay vì thông qua kênh thương mại truyền thống trước đây.
Người dân mua hàng trực tuyến
Một xu hướng mà doanh nghiệp hoạt động trong ngành hàng tiêu dùng đang hướng tới là sự gia tăng mức độ sẵn sàng mua sắm trực tuyến của người tiêu dùng đối với nhu yếu phẩm cơ bản và sản phẩm tươi sống. Phần lớn khách hàng có nhu cầu mua sắm trực tuyến và ngày càng tăng đối với những mặt hàng này do tác động của dịch COVID-19.
Báo cáo của một số sàn thương mại điện tử Việt Nam cho thấy, người tiêu dùng Việt Nam đã nhanh chóng đón nhận việc sử dụng kênh thương mại điện tử, trực tuyến như: Lazada, Sendo, Shopee, Tiki...; trong đó, gần 60% khách hàng được khảo sát cho biết đã mua sắm trực tuyến ít nhất một lần trong 12 tháng qua.
Việc sử dụng kênh thương mại điện tử, trực tuyến tỷ lệ thuận với mức thu nhập hàng tháng của hộ gia đình tại Việt Nam. Do đó, hầu hết kênh thương mại điện tử, trực tuyến đều tập trung vào thế mạnh, mang đến cho người tiêu dùng sự tiện lợi không giới hạn và giá cả cạnh tranh hơn.
Đại diện chuỗi cửa hàng tiện lợi Satra Food cho hay, giảm giá và chiết khấu là một phương pháp hiệu quả mà các công ty thương mại điện tử, trực tuyến có thể thúc đẩy hành vi mua hàng lặp lại của khách. Tuy vậy, phương pháp này không phải là yếu tố tác động quan trọng nhất, mà thay vào đó nên tạo ra hành trình mua sắm chất lượng cao cho khách hàng từ đầu đến cuối.
Để đảm bảo hành trình mua sắm chất lượng cho khách hàng, nhà bán lẻ phải đáp ứng đòi hỏi đổi mới sáng tạo trong cách tiếp cận mang tính chiến lược và tổng thể hơn là dựa vào chiến thuật giảm giá. Nâng cao trải nghiệm của khách hàng cũng là một giải pháp giúp những công ty hoạt động trong ngành tiêu dùng gia tăng mức độ trung thành của khách hàng. Điều này tránh được những cạnh tranh về giá và thu hút khách hàng.
Ở góc độ chuyên gia, ông Nguyễn Mạnh Tấn, Giám đốc Marketing của Công ty cổ phần Công nghệ Haravan nhận xét, xu hướng nhà là chợ, văn phòng, trường học... xuất hiện để đảm bảo biện pháp phòng chống dịch COVID-19 thì kênh thương mại điện tử, trực tuyến là một phần không thể thiếu. Điều này dẫn đến việc chuyển đổi mô hình bán lẻ truyền thống thành bán lẻ đa kênh offline và online, cũng như mô hình bán lẻ đa kênh khách hàng ở đâu thì bán hàng ở đó.
Chính vì vậy, doanh nghiệp cần chú trọng những giải pháp điều chuyển đơn hàng online đến offline; phân nhóm khách hàng cũ và gửi thông điệp cá nhân hoá qua SMS, messenger... Đồng thời, phát triển những mô hình bán lẻ cho phép đơn vị bán lẻ quản lý tập trung dữ liệu; trong đó, đặt hàng và thanh toán thay đổi theo xu hướng không tiền mặt.
Lượng hàng hóa thiết yếu tại siêu thị Co.opmart
Thanh toán không tiền mặt
Những năm gần đây, thị trường thanh toán kỹ thuật số của Việt Nam đã thu hút được sự quan tâm, đầu tư đáng kể từ các công ty lớn trong nước và quốc tế; trong đó, phải kể đến sự phát triển của ví điện tử như Momo hay các ứng dụng thanh toán di động. Tỷ lệ người tiêu dùng sử dụng phương thức thanh toán số cũng tăng đáng kể.
Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (Vecom) cho biết, năm 2020 thương mại điện tử của Việt Nam tăng trưởng 15% và đạt quy mô khoảng 13,2 tỷ USD. Một số chuyên gia cũng dự báo, các năm 2021-2025 sẽ là giai đoạn phát triển bùng nổ của thương mại điện tử và mức tăng trưởng bình quân có thể lên đến 29%.
Thống kê từ Vecom, giao dịch online trên sàn thương mại điện tử đạt doanh số thanh toán chi tiêu thẻ nội địa theo kênh thương mại điện tử tăng tới 81%. Còn theo mạng lưới VisaNet, tổng giá trị giao dịch của người tiêu dùng Việt Nam trên thẻ tín dụng và ghi nợ trong quý I/2021 tăng 34% so với cùng kỳ năm trước.
Không chỉ mua sắm trực tuyến tăng trưởng, những giao dịch online cũng ghi nhận sự bứt phá khi đang trở thành phương thức thanh toán tiện lợi, an toàn trong bối cảnh dịch COVID-19. Tính hết quý I/2021, giao dịch qua kênh internet đã tăng 55,9% về số lượng và 28,4% về giá trị; giao dịch qua kênh điện thoại di động tăng 78% về số lượng và 103% về giá trị.
Xu thế thanh toán trực tuyến sẽ ngày càng trở nên phổ biến trên sàn thương mại điện tử, chợ mạng... đã mang đến trải nghiệm mua sắm mới cho người dùng. Cụ thể, Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam 2020 đã chỉ ra rằng, có 12% số người tiêu dùng đánh giá cách thức thanh toán phức tạp là một trở ngại khi mua hàng trực tuyến. Vì vậy, giải pháp thanh toán điện tử vừa đơn giản, dễ sử dụng, vừa đảm bảo tính bảo mật, an toàn sẽ được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn.
Ngoài ra, dịch COVID-19 đã trở thành chất xúc tác mạnh mẽ để thay đổi thói quen mua sắm của khách hàng. Thông qua đó, góp phần giải quyết tình trạng “mua hàng online, trả tiền offline” và thúc đẩy sàn thương mại điện tử áp dụng rất nhiều lựa chọn thanh toán bằng thẻ, ví điện tử, quét mã QR…
Chị Minh Hạnh, cư ngụ tại quận Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh cho biết, mua sắm online ngày càng tiện lợi trong cả hành trình của khách hàng. Người dùng chỉ cần chọn và đặt hàng rồi thanh toán luôn để shipper giao hàng về nhà. Điều này không chỉ tiện lợi, nhanh chóng mà còn bảo đảm an toàn cho cả người mua và shipper trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Hưởng ứng chính sách không dùng tiền mặt của Chính phủ, nhiều cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh... từng bước thực hiện chi trả tiền lương cho người lao động bằng hình thức chuyển khoản. Điều này cũng thúc đẩy phần lớn người dân, nhất là người dân trong độ tuổi lao động hình thành thói quen thanh toán không dùng tiền mặt khi mua sắm, tiêu dùng - chị Minh Hạnh chia sẻ.
Nhiều người tiêu dùng khác tại Tp. Hồ Chí Minh cũng chia sẻ, khoảng hơn một năm trở lại đây, mua sắm online và thanh toán không tiền mặt đang trở thành thói quen hàng ngày của họ. Sàn thương mại điện tử, chợ mạng và ứng dụng công nghệ gọi xe... kinh doanh và cung ứng đa dạng hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, kể cả thực phẩm tươi sống, rau củ, quả... nên người tiêu dùng có thể đi chợ tại nhà mọi lúc, mọi nơi.
Thậm chí, để khuyến khích bằng khách hàng thanh toán không tiền mặt, nhiều sàn thương mại điện tử còn liên kết với hệ thống ngân hàng thương mại với việc giảm giá khi chọn hình thức thanh toán này.
Đơn cử như Tiki đã ra mắt thẻ tín dụng liên kết Sacombank Tiki Platinum và đến nay có gần 26.000 khách hàng đăng ký mở thẻ, 75% số lượng thẻ đăng ký thành công được kích hoạt và sử dụng cho thấy sự ghi nhận của người dùng với dòng thẻ này.
Ngoài ra, nhiều ngân hàng cũng tích cực cùng sàn thương mại điện tử đem lại nhiều tiện ích cho cả người mua và người bán. Điển hình như Ngân hàng TNHH một thành viên HSBC cũng đã kết hợp với Lazada; Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) hợp tác với Sendo; Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đã cho ra đời thẻ tín dụng VPBank - Shopee...
Nguồn: Tổng hợp
-
Rủi ro pháp lý đối với hợp đồng điện tử không an toàn dẫn đến không được bên thứ ba thừa nhận. Kỳ 1: Chữ ký số giả mạo07/10/2024Với xu hướng online hóa các thủ tục hành chính và sự bùng nổ các giao dịch điện tử trên môi trường số, chữ ký số ngày càng trở nên phổ cập và sử dụng rộng rãi trong các hoạt động của cá nhân và doanh nghiệp để thực hiện ký kết hợp đồng, giao dịch hồ sơ giấy tờ nhanh chóng, tiện lợi và tiết kiệm chi phí.
-
Hỗ trợ các bên xác thực tra cứu hợp đồng đã chứng thực30/09/2024Trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, việc sử dụng hợp đồng điện tử ngày càng trở nên phổ biến. Các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân có thể dễ dàng ký kết, quản lý, và thực hiện giao dịch mà không cần đến các phương thức truyền thống như hợp đồng giấy.
-
Tác động của trí tuệ nhân tạo đến thương mại điện tử23/09/2024Trí tuệ nhân tạo (AI) đã trở nên thiết yếu đối với công nghệ thương mại điện tử trong những thập kỷ qua. Sự phát triển nhanh chóng của nó đã thay đổi cách người tiêu dùng mua sắm trực tuyến.
-
Livestream giúp doanh nghiệp đạt được các mục tiêu kinh doanh và thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển thương mại điện tử13/09/2024Theo các chuyên gia về thương mại điện tử, livestream là con đường nhanh nhất giúp người bán tiếp cận với nhiều đối tượng hơn, đem lại doanh thu cao hơn với mức đầu tư tương đối thấp.
-
Hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết tranh chấp phát sinh trong hợp đồng điện tử12/09/2024Trong bối cảnh kinh tế số đang phát triển nhanh chóng tại Việt Nam, hợp đồng điện tử (HĐĐT) trở thành một phần không thể thiếu trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp.